Bảo đảm hài hòa lợi ích trong điều hành thuế xăng, dầu

Chiều 30/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) áp dụng cho cả năm 2023 là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu nhờn, dầu mazut và mỡ nhờn là 1.000 đồng/lít, kg; dầu hỏa là 600 đồng/lít, tương đương mức giảm 50%. Riêng thuế với nhiên liệu bay được áp mức sàn là 1.000 đồng/lít, giảm tới 70%.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng mua xăng tại cây xăng dầu trên phố Trần Quang Khải, TP Hà Nội. (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG)
Khách hàng mua xăng tại cây xăng dầu trên phố Trần Quang Khải, TP Hà Nội. (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG)

Đây là động thái điều hành rất kịp thời trước bối cảnh giá dầu thô thế giới vẫn liên tục biến động, khó dự báo, bảo đảm được tính linh hoạt trong việc áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong thời gian tới, góp phần ổn định giá xăng, dầu trong nước, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thực tiễn thi hành chính sách điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, sự biến động giá xăng, dầu thế giới và trong nước đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (đặc biệt trong các lĩnh vực vận tải, thủy sản...), cũng như ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân và ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, việc thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 là giải pháp hiệu quả, thiết thực. Ðây là loại thuế gián thu, chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường. Do đó, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn kịp thời trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao được xem là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, từ đó có tác động tức thì trong việc giảm giá bán lẻ xăng dầu.

Theo đó, khi thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, giá xăng trong nước đã có sự điều chỉnh giảm 2 kỳ liên tiếp so với kỳ điều hành liền trước. Như vậy, khi mức thuế bảo vệ môi trường được điều chỉnh linh hoạt và đúng thời điểm (trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao tác động đến nền kinh tế vĩ mô trong nước) sẽ góp phần kiểm soát, kiềm chế sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Ðây cũng là nguyên nhân trực tiếp làm giảm giá bán xăng dầu, từ đó góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và góp phần kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, việc thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 đã góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn khó khăn.

Xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu, có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất cho nên sự biến động giá xăng dầu sẽ tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế, vì vậy việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng sẽ hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Ðối với người dân (đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này) việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần giảm giá các mặt hàng, từ đó góp phần giảm chi phí trực tiếp của người dân trong việc tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác.

Ðối với các ngành sản xuất cũng như các doanh nghiệp có sử dụng xăng dầu là đầu vào của hoạt động sản xuất như giao thông vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt, sản xuất hóa chất có sử dụng nguyên liệu từ xăng dầu... sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi chính sách được ban hành. Từ đó, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Dù có ảnh hưởng nhiều tới nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, nhưng quyết định giảm mức thuế quan trọng này là động thái hỗ trợ rất kịp thời đối với kinh tế-xã hội của công tác điều hành kinh tế vĩ mô, bảo đảm sự chia sẻ hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Theo tính toán của Bộ Tài chính, số giảm thu ngân sách nhà nước trong hai năm 2021-2022 đã vào khoảng 32.538 tỷ đồng, trong đó số giảm thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 là 1.584 tỷ đồng, theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 là 23.954 tỷ đồng và theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 là 7.000 tỷ đồng. Việc giảm thuế trong cả năm 2023 sẽ giúp các ngành kinh tế và đời sống người dân thêm phần ổn định theo hướng lâu bền■