Tìm giải pháp điều hành giá xăng, dầu

Theo quy định hiện hành, trong điều hành giá xăng, dầu, Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn xác định các chi phí và công bố cho Bộ Công thương tính toán giá cơ sở. Tuy nhiên, hiện hai bộ này đang có những đề xuất trái chiều về việc “điều hành giá xăng dầu” để hướng đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng, dầu.
0:00 / 0:00
0:00
Mặt hàng xăng, dầu đang chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành. Ảnh: SONG ANH
Mặt hàng xăng, dầu đang chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành. Ảnh: SONG ANH

Hai bộ “nhường” nhau

Trong thời điểm “nóng” về thị trường xăng dầu, tình trạng nhiều cây xăng không chịu nổi thua lỗ đã phải tạm đóng cửa lan rộng kể từ tháng 10. Chi phí trong công thức tính giá cơ sở xăng, dầu không theo kịp thực tế là nguyên nhân được Bộ Công thương xác nhận là khiến doanh nghiệp xăng, dầu lâm cảnh khó khăn…

Lên tiếng về điều này, ngày 28/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời trước Quốc hội khẳng định, các khoản chi phí bao gồm, chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, Premium trong nước đều đã được điều chỉnh hai lần theo biến động và họ cũng đã nhiều lần gửi văn bản hỏi Bộ Công thương và doanh nghiệp đầu mối về việc “có nâng nữa hay không”, nhưng chưa nhận được trả lời.

Bởi vậy, Bộ trưởng Tài chính đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95, giao toàn diện vấn đề xăng, dầu về cho Bộ Công thương, kể cả quyết định giá và chi phí định mức để bảo đảm vấn đề nguồn cung chủ động.

Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng, dầu đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất trao lại quyền điều hành giá xăng, dầu về Bộ Tài chính.

Hiện, xăng, dầu đang chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành. Đơn cử, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý chất lượng, đo lường; Bộ Công an quản lý về phòng, chống cháy nổ xăng, dầu; Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý vấn đề môi trường; còn quản lý nguồn cung và giá là Bộ Công thương và Bộ Tài chính đảm trách...

Bộ Công thương đánh giá, nếu giữ quan điểm điều hành theo quy định hiện hành, sẽ đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao của từng bộ, ngành thời gian qua. Trong công tác điều hành giá xăng, dầu, Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn xác định các chi phí và công bố cho Bộ Công thương tính toán giá cơ sở. Song, Bộ này cũng cho rằng, khi có vấn đề phát sinh, sự phối hợp giữa các bộ, ngành sẽ lúng túng.

Bởi vậy, Bộ Công thương cho rằng, nên đưa về một đầu mối điều hành giá xăng, dầu, cũng như rà soát, hướng dẫn và tính toán các chi phí kinh doanh xăng, dầu là Bộ Tài chính. Các bộ, ngành khác sẽ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo Bộ Công thương, việc này bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành đã được phân công. “Bộ Tài chính có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính sẽ thực hiện chính xác việc tính toán, hướng dẫn và công bố điều hành đối với mặt hàng xăng, dầu”, Bộ Công thương nêu.

Bộ Công thương quản lý giá xăng, dầu là phù hợp

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tại Công văn số 3785/VPCP-KTTH ngày 25/10/2022, cần nghiêm túc rà soát và sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP theo hướng phân công thống nhất một đầu mối là cơ quan quản lý ngành thực hiện các nhiệm vụ điều hành giá cơ sở xăng, dầu (bao gồm các nhiệm vụ về tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở), điều hành và giám sát việc thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá. Đề xuất của Bộ Công thương cũng không hẳn không có lý, bởi trước những năm 2014, Bộ Tài chính từng là cơ quan chủ trì, đảm trách việc tính toán, điều hành và công bố giá bán lẻ xăng, dầu. Chỉ sau khi Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng, dầu có hiệu lực, việc điều hành, công bố giá được giao Bộ Công thương chủ trì và Bộ Tài chính phối hợp tính toán các chi phí xăng, dầu trong công thức tính giá cơ sở...

Nêu quan điểm trước đề xuất của Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Tài chính là Bộ Công thương điều hành đã khá tốt thị trường xăng, dầu trong năm 2022. “Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động nhưng việc điều hành giá đã bám sát diễn biến thị trường, nhịp nhàng, hỗ trợ cho bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát”, ông Chi nói và cho biết, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì, còn Bộ Tài chính là cơ quan cùng tham gia.

Dù giữ quan điểm chuyển đầu mối điều hành xăng, dầu về Bộ Công thương, song vị Thứ trưởng nhấn mạnh, quyết định cuối cùng thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi sửa đổi Nghị định. “Chính phủ sẽ cân nhắc, cơ quan nào sát nhất với chức năng nhiệm vụ, phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho quá trình điều hành xăng, dầu thời gian tới thì sẽ giao”, ông Chi nói.

Góp ý về đề xuất trên của Bộ Công thương, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đây là quan điểm đi ngược với chủ trương sửa đổi Luật Giá đã báo cáo Quốc hội lần 1 và dự kiến được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023. Bởi theo ông, trong Luật Giá, có một chủ trương, định hướng rất quan trọng, đó là phân cấp, phân quyền trong vấn đề quản lý giá cho các bộ, ngành, địa phương. Tức là lĩnh vực hàng hóa do bộ, ngành nào quản lý, bộ đó mới nắm sâu được, xem xét các yếu tố đầu vào để quyết định giá.

“Nếu giao lĩnh vực quản lý, điều hành xăng, dầu cho Bộ Tài chính thì bộ này không thể điều hành giỏi bằng bộ, ngành quản lý, theo dõi trực tiếp được. Thí dụ như thuốc chữa bệnh, Bộ Y tế xác định giá tốt hơn Bộ Tài chính vì Bộ Y tế biết một sản phẩm thuốc có cấu phần như thế nào. Lĩnh vực xăng, dầu cũng tương tự”, ông Lâm nói và nhấn mạnh: “Sắp tới, khi sửa đổi Luật Giá, lĩnh vực nào do bộ, ngành nào phụ trách thì sẽ giao trực tiếp về cho bộ đó. Như xăng, dầu của Công thương, giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thuốc men thuộc Bộ Y tế... Bộ Tài chính sẽ chỉ mang tính chất hướng dẫn về nghiệp vụ cho bộ, ngành. Do đó, đề xuất trao quyền quản lý xăng, dầu cho Bộ Tài chính là không phù hợp và chắc chắn sẽ không được thông qua”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đề xuất giao việc quản lý xăng, dầu cho Bộ Tài chính mà Bộ Công thương đưa ra là chưa thuyết phục và cần phải nghiên cứu kỹ. Theo ông Hùng, nên giao cho một đầu mối là Bộ Công thương chủ trì, song liên bộ Công thương - Tài chính cần trao đổi để phân định nhiệm vụ và phối hợp cụ thể.

Là người nhiều năm trực tiếp tham gia điều hành giá xăng, dầu thời điểm trước năm 2014, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, hiện Chính phủ giao Bộ Công thương quản lý sản xuất, kinh doanh xăng, dầu, nhưng lại tách quản lý về cơ chế giá để Bộ Tài chính quản lý là chưa hợp lý, dẫn đến một số vướng mắc nảy sinh. Do đó, việc giao lại toàn bộ điều hành giá cho Bộ Công thương là hợp lý. Bởi Bộ Công thương là bộ quản lý về hoạt động sản xuất, kinh doanh, có trách nhiệm bảo đảm cân đối cung - cầu xăng, dầu trên thị trường.

“Việc quản lý sản xuất, kinh doanh xăng, dầu sẽ giúp Bộ Công thương nắm rõ về giá thế giới, giá trong nước cũng như các chi phí của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng, dầu”, ông Thỏa nói và cho rằng, việc này tương tự như việc giá điện đang được quản lý thống nhất bởi Bộ Công thương.