Triển lãm nhằm giới thiệu, tuyên truyền về quần đảo Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
Các đoàn viên, thanh niên ở huyện biên giới Ea Súp đến dự triển lãm. |
Triển lãm “Trường Sa-Nơi đầu sóng” với 2 chủ đề, chủ đề 1: Giới thiệu 97 hình ảnh, tư liệu về các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và cuộc sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa; cờ Tổ quốc được mang về từ Trường Sa; cờ của Hải quân nhân dân Việt Nam, Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa và một số hiện vật khác được sưu tầm từ Trường Sa; các loại bằng khen, bằng chứng nhận, biểu tượng về các giải thưởng nhiếp ảnh và phim phóng sự, tài liệu của tác giả sáng tác về đề tài biển đảo quê hương; mô hình 21 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Giới thiệu mô hình 21 đảo thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam tại triển lãm. |
Chủ đề 2 của triển lãm sẽ trình chiếu phim phóng sự, tài liệu: Trình chiếu 5 tập phim phóng sự, tài liệu về Trường Sa trong suốt thời gian diễn ra triển lãm, các tập phim đã đạt Giải A tại Liên hoan Phát thanh-Truyền hình Đắk Lắk năm 2020; Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Đắk Lắk năm 2021; Giải C, Giải Báo chí do Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam tổ chức năm 2021.
Đông đảo cán bộ và nhân dân huyện biên giới Ea Súp tham quan triển lãm. |
Những hình ảnh, tư liệu được trưng bày cũng như các tập phim được trình chiếu tại triển lãm là những tác phẩm nghệ thuật đầy tâm huyết, với những góc nhìn ống kính và cảm nhận tinh tế của nhà báo Nguyễn Quốc Hưng để ghi lại những hình ảnh đặc sắc về các hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa.
Đây là những tác phẩm không chỉ có chất lượng cao về nghệ thuật mà còn chuyển tải thông tin, giúp người xem có cái nhìn gần gũi, chân thực và hiểu biết hơn về quần đảo Trường Sa đầy sức sống hôm nay.
Cán bộ Cơ quan Quân sự huyện Ea Súp tham quan triển lãm. |
“Trường Sa - Nơi đầu sóng” không đơn thuần là một cuộc triển lãm, đó còn là dịp để nhân dân các dân tộc huyện biên giới Ea Súp cùng hướng về biển, đảo, nơi luôn có các đồng chí, đồng đội và cả đồng bào đang ngày đêm canh giữ biển, đảo, vùng đất, vùng trời, gìn giữ một phần máu thịt của quê hương.
Chính tình yêu quê hương đất nước, ý chí mãnh liệt và nghị lực phi thường, cho dù thời tiết hết sức khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt, công tác hết sức khó khăn nhưng các đồng chí vẫn thực hiện nhiệm vụ canh giữ đất trời giữa biển cả mênh mông, nơi chỉ có những con sóng bạc đầu.
Những bãi san hô, rạn đá cũng trở thành pháo đài chiến đấu kiên trung giữa Biển Đông, cùng các điểm đảo tiền tiêu, làm thành phên dậu vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là tất cả giá trị nhân văn, là thông điệp mà tác giả nhà báo Nguyễn Quốc Hưng muốn gửi gắm, chuyển tải đến với các cán bộ, đảng viên và mọi người dân khi đến với triển lãm.
Các cháu học sinh huyện biên giới Ea Súp đến với Triển lãm “Trường Sa-Nơi đầu sóng”. |
Các đoàn viên, thanh niên huyện biên giới Ea Súp tham quan Triển lãm “Trường Sa-Nơi đầu sóng”. |
Nhà báo Nguyễn Quốc Hưng giới thiệu những hình ảnh về sinh hoạt, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Hải quân chụp ở Quần đảo Trường Sa cho các đồng chí lãnh đạo huyện. |
Triển lãm cũng là dịp để huyện Ea Súp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ trong việc bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, qua đó, bồi đắp tình yêu, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm về quần đảo Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng bao đời của Tổ quốc mà các thế hệ cha ông, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân để bảo vệ, gìn giữ cho Tổ quốc.