Đây là triển lãm do Đại sứ quán Italia tại Hà Nội và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp tổ chức từ ngày 23/7 – 23/8/2021, là dự án của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Ý do nhiếp ảnh gia Fabiano Ventura phối hợp với Hiệp hội phi lợi nhuận Macromicro phụ trách.
Triển lãm giúp người xem hiểu thêm về văn hóa miền núi của Italia, về bộ môn leo núi như một phương tiện thể hiện sự tôn trọng và hiểu biết về môi trường sống trên núi, cũng như tác động tàn phá của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái.
Đây là hoạt động góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, hướng tới hội nghị COP-26 do Vương quốc Anh và Italia đồng chủ trì vào cuối năm 2021 tại Glasgow.
Triển lãm song hành về phía Việt Nam mang tên “Phong cảnh Việt Nam - Đa dạng sinh thái, biến đổi khí hậu, khám phá mới”, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật về cảnh quan núi rừng Việt Nam của ba nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong nước: Hoàng Thế Nhiệm, Hoàng Giang Hải và Trần Đặng Đăng Khoa.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm với bộ 5 ảnh được chụp tại Đồng Văn và Mèo Vạc từ năm 2008 đến 2012 ghi nhận sự đấu tranh sinh tồn trong thế giới tự nhiên thông qua hình ảnh tồn tại và lớn mạnh của 5 cây đại mộc trong môi trường chỉ có toàn đá tai mèo và khô hạn này, mô tả điều kiện tự nhiên, môi trường sống tại cao nguyên đá Hà Giang rất khắc nghiệt vì vừa thiếu đất và thiếu nước.
Bộ ảnh tuyết trắng trên dãy Hoàng Liên Sơn của tác giả Hoàng Giang Hải chụp năm 2016, tại Bản Sâu Chua, nằm trên cao cách Sa Pa khoảng 8 km. Trước kia hiếm gặp tuyết rơi ở nơi này, tuy nhiên vài chục năm gần đây, hằng năm mùa lạnh thường có tuyết rơi dày - một khung cảnh lạ lùng đẹp mắt tại Việt Nam. Nhưng điều này lại ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân địa phương.
Hang động Sơn Đoòng là tác phẩm của tác giả Trần Đặng Đăng Khoa với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ vừa được con người khám phá gần đây. Là một kỳ quan vô giá của tạo hóa, Sơn Đoòng sở hữu vô số những điều thú vị, có một không hai trên thế giới, thu hút giới khoa học và các nhà thám hiểm.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro cho biết: “Lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của triển lãm không phải một sự ngẫu nhiên. Việt Nam và Ý là hai đất nước rất dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu. Triển lãm là sự tôn vinh những nỗ lực của hai nước chúng ta trong việc bảo tồn môi trường và các sinh cảnh tự nhiên.
Năm 2021 thực sự là một năm quan trọng. Đại dịch Covid-19 nhắc nhở tất cả chúng ta về mối quan hệ mong manh giữa con người và thiên nhiên. Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn cho sức khỏe của chính hành tinh này”.
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Triển lãm muốn chuyển tải đến công chúng tình yêu đối với thiên nhiên và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nhằm ứng phó với các thảm họa toàn cầu. Tôi tin rằng, công chúng sẽ khám phá được nhiều điều thú vị từ cuộc Triển lãm có ý nghĩa này”.
Ban Tổ chức cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi sẽ tăng cường giới thiệu triển lãm online trên trang mạng xã hội của Đại sứ quán Ý và Bảo tàng với hình thức đa dạng, giúp người xem tìm hiểu, khám phá Triển lãm ngay tại nhà. Ngoài ra, trong khuôn khổ triển lãm còn có 4 sự kiện trực tuyến với các chủ đề: Thám hiểm núi, leo núi, nhiếp ảnh và biến đổi khí hậu.