Triển lãm “Tinh thần Tô Hiệu” tại di tích Nhà tù Sơn La

NDO -

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh (1912-2022) và 78 năm ngày mất của đồng chí Tô Hiệu (1943-2022), Bảo tàng tỉnh Sơn La đã tổ chức trưng bày triển lãm “Tinh thần Tô Hiệu” tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Thời gian triển lãm được tổ chức từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/12/2022.

Đoàn viên thanh niên Sơn La nghe giới thiệu về thân thế, sự nghiệp đồng chí Tô Hiệu tại cuộc triển lãm.
Đoàn viên thanh niên Sơn La nghe giới thiệu về thân thế, sự nghiệp đồng chí Tô Hiệu tại cuộc triển lãm.

Trong lần triển lãm này, Bảo tàng tỉnh Sơn La sẽ trưng bày 100 bức ảnh, tư liệu được trình bày trên 19 pano in UV bạt 3M và được trưng bày ngoài trời. Các tác phẩm được trưng bày theo 3 chủ đề: Quê hương; Tô Hiệu-Tinh thần và ý chí cách mạng; Tỏa sáng mãi tinh thần Tô Hiệu. 

Đồng chí Tô Hiệu, quê ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, người cộng sản kiên cường, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, vì lý tưởng cộng sản, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Đồng chí Tô Hiệu tham gia cách mạng từ khi còn thiếu niên và là một cán bộ lãnh đạo kiên trung của Đảng, đã có công xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ cuối năm 1936. 

Cuối năm 1939, đồng chí Tô Hiệu bị bắt lần thứ 2, tháng 1/1940 đồng chí bị thực dân Pháp đày lên Nhà tù Sơn La. Khi đó đồng chí đang là Ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Liên khu B kiêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Đến tháng 5/1940, chi ủy triệu tập đại hội Chi bộ để thảo luận quyết định các chủ trương công tác và thống nhất cử đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư Chi bộ để lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù khắc nghiệt của bọn đế quốc, làm công tác binh vận, dân vận…

Anh Và A Mua, bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, cho biết: Chúng tôi rất khâm phục tinh thần và ý chí của đồng chí Tô Hiệu và các chiến sĩ cách mạng là tù nhân nơi đây. Mặc dù bị lao phổi nặng, nhưng với cương vị là Bí thư Chi bộ nhà tù, đồng chí Tô Hiệu đã lãnh đạo anh em trong nhà tù đấu tranh, giữ vững khí tiết cách mạng. Đồng thời biến nhà tù thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ cốt cán cho Đảng, cho cách mạng.

Đồng chí Tô Hiệu hy sinh ngày 7/3/1944 tại nhà tù Sơn La. Những đóng góp to lớn của đồng chí Tô Hiệu đã góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành độc lập tự do cho dân tộc… 

Triển lãm “Tinh thần Tô Hiệu” tại di tích Nhà tù Sơn La -0
 Một số hình ảnh, tư liệu về quê hương, gia đình và dòng họ Tô được trưng bày ngay cạnh cây đào Tô Hiệu. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Truyền thông Bảo tàng tỉnh Sơn La, cho biết: Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng lượng khách và nhân dân đến tham quan di tích Nhà tù Sơn La và tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của các chiến sĩ cách mạng từng bị giam giữ và hy sinh thời kỳ chống Pháp tại Nhà tù Sơn La nói chung, đồng chí Tô Hiệu nói riêng khá đông. 

Triển lãm góp phần giới thiệu thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu qua các thời kỳ. Khẳng định công lao to lớn và nhân cách mẫu mực của đồng chí Tô Hiệu, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của cha ông ta.