Triển lãm mỹ thuật “Những ngả đường sơn mài”

NDO -

Ngày 23/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), triển lãm “Những ngả đường sơn mài” mở cửa đón khách tham quan. Sơn ta - chất liệu bản địa đáng tự hào, một lần nữa được tôn vinh qua bàn tay những họa sĩ tài hoa.

Khách tham quan “Những ngả đường sơn mài” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong ngày khai trương triển lãm.
Khách tham quan “Những ngả đường sơn mài” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong ngày khai trương triển lãm.

"Những ngả đường Sơn mài" giới thiệu  43 tác phẩm của 10 họa sĩ, bao gồm: Lý Trực Sơn, Nguyễn Văn Bảng, Trần Tuấn Long, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Tuấn Cường, Cấn Mạnh Tưởng, Nguyễn Đức Đàn, Trần Ngọc Hưng, Nguyễn Đình Văn và Nguyễn Xuân Lục. Cùng “thủy chung” với chất liệu sơn ta nhưng đặc trưng sáng tác, cá tính nghệ thuật của mỗi người mỗi khác.

Tham gia triển lãm lần này, họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ: “Tìm được tiếng nói riêng trong hội họa sơn mài là một việc không dễ dàng, họa sĩ cần phải có tay nghề cao. Nắm vững kỹ thuật chất liệu nhưng không dừng lại ở đó, ưu thế của những hiệu quả vàng son then cánh gián vỏ trứng… có thể trói buộc các họa sĩ vào những cách thể hiện công thức, lối mòn.

Tôi theo dõi khá sát bước đi của Nguyễn Đức Đàn, Nguyễn Xuân Lục, Nguyễn Tuấn Cường, Trần Ngọc Hưng, Cấn Mạnh Tưởng, Nguyễn Mạnh Cường, Trần Tuấn Long. Đó là những họa sĩ tài năng, với lao động nghệ thuật nghiêm túc, thành tâm, đã xác định con đường riêng cho mình, trong dòng chảy của nghệ thuật sơn mài”.

Hoạ sĩ Lý Trực Sơn được biết đến với khả năng sáng tác trên nhiều chất liệu và ghi được dấu ấn riêng biệt. Tranh sơn mài của ông thường có đề tài và phong cách tạo hình mang âm hưởng nghệ thuật dân gian Việt Nam. Ông là giảng viên nghệ thuật sơn mài tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từng có nhiều năm học tập và sáng tác nghệ thuật tại châu Âu.

Mỗi họa sĩ tham gia triển lãm đều chọn những tác phẩm tâm đắc, chạm đến cái lặng và sâu của chất liệu. Chẳng hạn, các tác phẩm của Nguyễn Xuân Lục mang đến người xem cảm giác như đang bước vào trải nghiệm thế giới huyền bí, trừu tượng, nguyên sơ.

Nguyễn Văn Bảng dùng bảng màu sơn mài để khắc họa thiên nhiên gần gũi, mộc mạc mà tuyệt đẹp, tràn đầy sức sống. Chất cổ điển pha một chút âm u, ma mị được bộc lộ trong tranh của Nguyễn Tuấn Cường - một họa sĩ lột tả rất tinh tế các sắc độ sáng và tối, mong manh và mạnh mẽ. Sơn mài của Trần Tuấn Long lại hướng đến việc lột tả chân dung thân phận “cực thực” trong hoàn cảnh thực tế, để qua đó ta có dịp ngắm nhìn lại cuộc sống mỗi ngày đang chảy trôi chóng vánh…

Trong 10 họa sĩ, sơn mài của Nguyễn Mạnh Cường có vẻ là một lối đi riêng ra khỏi cái trừu tượng, hay tính sâu-lắng của chất liệu. Hình tượng trên tranh của tác giả này giống như những “quái vật” hay những “tế bào” được phóng to, gợi những suy tưởng cho người chiêm ngưỡng.

Đặc biệt trong lần trưng bày này là sự tham gia của hai cha con: họa sĩ Nguyễn Văn Bảng và con trai Nguyễn Đình Văn. Nguyễn Văn Bảng là cái tên lão làng trong giới sơn ta, có kỹ thuật và sự am hiểu sâu sắc. Có thể nói ông là đại diện cho sơn mài truyền thống.

Trong khi họa sĩ trẻ Nguyễn Đình Văn thừa hưởng những kinh nghiệm dồi dào đó đồng thời không ngừng tìm kiếm những biểu hiện mới mẻ của hội họa hiện đại.

Nghệ thuật sơn mài Việt Nam rất đặc biệt, một phần bởi họa sĩ sơn mài vừa là người sáng tạo nghệ thuật và đồng thời cũng là người thợ cần mẫn, kiên nhẫn và tỉ mỉ. Mỗi tác phẩm sơn mài dù lớn hay nhỏ đều phải trải qua khoảng 20 công đoạn thủ công.

Các họa sĩ của “Những ngả đường sơn mài” đã tham dự nhiều cuộc triển lãm, giao lưu trong nước và quốc tế, mỗi người chọn một “ngả” riêng nhưng đều hướng tới cái chung là thể hiện tình yêu, tâm huyết và sự trung thành với chất liệu sơn ta.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 29/3.