Triển lãm mỹ thuật “Hào khí Thăng Long” của hai họa sĩ gạo cội

NDO - Từ ngày 3 đến 12/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) diễn ra triển lãm “Hào khí Thăng Long” giới thiệu đến công chúng yêu hội họa những tác phẩm đặc sắc của hai họa sĩ lão thành Nguyễn Anh Thường và Vũ Hồng Ngọc.
0:00 / 0:00
0:00
Công chúng thưởng lãm các tác phẩm hội họa đặc sắc tại Triển lãm mỹ thuật “Hào khí Thăng Long”.
Công chúng thưởng lãm các tác phẩm hội họa đặc sắc tại Triển lãm mỹ thuật “Hào khí Thăng Long”.

Với chủ đề từ huyền thoại lịch sử hào hùng của dân tộc, khúc tráng ca cách mạng cho đến phong cảnh thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam, Triển lãm trưng bày 23 tác phẩm sơn mài, sơn khắc khổ lớn cùng tranh sơn dầu của hai họa sĩ lão thành thuộc bộ sưu tập tranh cá nhân của nhà sưu tập Phan Minh Hà.

Họa sĩ Nguyễn Anh Thường (Nguyên Vũ) sinh năm 1930 tại Hà Nội, là một trong những sinh viên xuất sắc của khóa 1955-1957 Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ông từng tham gia du kích Bắc Sơn, gia nhập quân đội, chiến đấu ở chiến trường Thượng Lào.

Năm 1959, họa sĩ Nguyễn Anh Thường tham gia đoàn công tác của các văn nghệ sĩ do Thứ trưởng Văn hóa Cù Huy Cận dẫn đầu về Quảng Ninh đi tìm hiểu thực tế, tiếp xúc với đời sống lao động vùng mỏ. Ông được phân công phụ trách chính lớp vẽ đầu tiên của công nhân mỏ tại Cẩm Phả, tạo tiền đề xây dựng sự phát triển rộng khắp của phong trào mỹ thuật vùng mỏ Quảng Ninh sau này.

Triển lãm mỹ thuật “Hào khí Thăng Long” của hai họa sĩ gạo cội ảnh 1
Tác phẩm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám” của họa sĩ Nguyễn Anh Thường.

Giai đoạn 1959-1990, họa sĩ Nguyễn Anh Thường công tác tại xưởng phim đèn chiếu, vẽ trên 150 bộ tranh phim về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họa sĩ hai lần được Ủy ban Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc trao giải nhất về tranh phim. Năm 1990, triển lãm cá nhân với loạt tranh mực nho trên giấy dó vẽ về Hạ Long của ông được công chúng đánh giá cao, trong số đó, tác phẩm “Bến trăng” được trao Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990.

Xuyên suốt hoạt động mỹ thuật của họa sĩ là những tác phẩm hội họa mang tính biểu tượng, âm hưởng lạc quan, ghi dấu ấn lịch sử và xã hội Việt Nam với những biến động thời cuộc to lớn trong thế kỷ 20. Họa sĩ Nguyễn Anh Thường có tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.

Nữ họa sĩ Vũ Hồng Ngọc (sinh năm 1945), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1978. Hội họa của bà hướng tới sự giản dị, chân phương là cảm xúc ấn tượng về những di tích lịch sử đền, chùa cổ kính, những góc phố rợp tán cây vàng, đỏ ở thời khắc giao mùa, những bến sông nơi sơ tán, rặng tre bình yên ở vùng quê… Tất cả toát lên một tâm hồn nghệ thuật hồn hậu, yêu thiên nhiên và đằm thắm tình người.

Chia sẻ về bộ sưu tập, nhà sưu tập Phan Minh Hà cho biết, hành trình sưu tập cũng là một hành trình để học hỏi, thấu hiểu và cảm nhận được nghệ thuật hội họa. Từ đó, chính nhà sưu tập luôn khám phá được những nét mới lạ, đầy đam mê trong tư duy sáng tạo của hai họa sĩ trong gần 20 năm qua với từng sáng tác mới.

Chứng kiến các giai đoạn hai họa sĩ liên tục cống hiến, biến đổi đa dạng, từ nhiều phương án phác thảo, bố cục tranh lớn và cả những tâm sự về nghề nghiệp, ước vọng về hội họa, niềm tin chân thành về tương lai của dân tộc đã đem đến sự đồng cảm sâu sắc. Đó là những trải nghiệm quý, đầy cảm xúc, sự trân trọng của nhà sưu tập về những tấm gương nghệ sĩ đã vượt lên hoàn cảnh, say mê hết lòng cho mỹ thuật.

Tại triển lãm, công chúng yêu hội họa đi từ ngỡ ngàng đến xúc động trước những tác phẩm ấn tượng của hai họa sĩ gạo cội. Xúc động trước một “Điện Biên Phủ trên không” mà họa sĩ Nguyễn Anh Thường thể hiện khoảnh khắc máy bay B52 bị vỡ vụn trên bầu trời Hà Nội. Sự tan vỡ của hình trong bố cục trải khắp mặt tranh cho người xem liên tưởng đến phong cách lập thể của hội họa hiện đại. Màu vàng của sơn mài mang đến cảm giác hào hùng, oanh liệt về một khoảnh khắc ấn tượng lịch sử.

Đặc biệt, họa sĩ Nguyễn Anh Thường phải mất tới ba năm để hoàn thành bức sơn mài khổ lớn “Hào khí Thăng Long” vẽ nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Vẫn bằng ngôn ngữ trừu tượng để biểu hiện những ý tứ khó có thể diễn đạt bằng hiện thực, họa sĩ Nguyễn Anh Thường đã cố gắng nắm bắt, thể hiện tinh thần của nội dung qua các nét, mảng màu tạo nên những tổ hợp chuyển động trong tác phẩm - sự chuyển động được giới phê bình mỹ thuật nhận định là “làm nên khí” của bức tranh như tên gọi.

Triển lãm mỹ thuật “Hào khí Thăng Long” của hai họa sĩ gạo cội ảnh 2
Tác phẩm “Làng Phù Đổng” của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc.

Nữ họa sĩ Vũ Hồng Ngọc lại mang đến sự xao xuyến, ám ảnh từ những lũy tre xanh cho tới từng mảng ký ức còn sót lại. Mỗi tác phẩm gợi nên một tâm tư, suy tưởng, thậm chí là tiếc nuối. Đó có thể là những tà áo dài thấp thoáng bên chùa Quán Sứ trên nền vàng của thời gian, màu nâu của gỗ, của đất, của tường… đầy tha thiết, trữ tình. Đó có thể là nơi sơ tán, là những vẻ đẹp quen thuộc hay chìm khuất Hà Nội xưa cũ… được tái hiện đầy tình cảm, luyến thương với mỹ cảm và trái tim đôn hậu, tinh tế, bao dung.

Những tác phẩm tiêu biểu giới thiệu tại triển lãm được lựa chọn từ bộ sưu tập cá nhân Phan Minh Hà, sưu tầm từ năm 2007-2023 một cách có hệ thống với những tác phẩm sơn mài, sơn khắc, sơn dầu khổ lớn, nổi bật và tạo nên những dấu ấn quan trọng nhất trong sự nghiệp cống hiến, sáng tạo của các họa sĩ.