37 mẫu búp bê Kokeshi truyền thống và hiện đại trưng bày tại triển lãm được tuyển chọn từ khoảng 4.000 mẫu của Bảo tàng Búp bê Kokeshi Tsugaru (thành phố Kuroishi, tỉnh Aomori, Nhật Bản), một nơi được coi là cái nôi của những dòng búp bê Kokeshi truyền thống ra đời sớm nhất. Đáng chú ý, có 4 mẫu Kokeshi được các nghệ nhân Nhật Bản làm riêng cho Việt Nam với tạo hình đậm nét văn hóa Việt: từ trang phục cung đình xưa của vua và hoàng hậu cho đến thiếu nữ hiện đại mặc áo dài, chàng trai đội nón lá. Triển lãm cũng trình chiếu một phim tài liệu về cách chế tác búp bê Kokeshi và các vật liệu, dụng cụ đặc biệt.
Búp bê Kokeshi được làm thủ công bằng gỗ, xuất hiện ở vùng Tohoku, Nhật Bản từ cuối thời Edo (cuối thế kỷ 19). Các nghiên cứu văn hóa Nhật Bản cho rằng ban đầu Kokeshi được sáng tạo để làm đồ chơi cho trẻ em, được xem như quà tặng và bùa may mắn. Những người thợ làm ra Kokeshi được gọi là “Kijishi”, vốn là những người chuyên sản xuất bát và chậu bằng gỗ để bán tại các địa điểm vùng núi có suối nước nóng. Các nghệ nhân tiện gỗ thành đầu và thân búp bê riêng rẽ, gắn lại với nhau, cuối cùng dùng sơn vẽ mặt và trang phục búp bê. Mỗi con búp bê mang một ý nghĩa khác nhau. Khuôn mặt của mỗi búp bê cũng có những biểu cảm khác nhau nhưng điểm chung là trông đáng yêu, thân thiện, duyên dáng. Do được làm hoàn toàn bằng tay, mỗi Kokeshi có thể coi là độc bản.
Hiện nay, Kokeshi được phân thành 12 loại và nguồn gốc cũng như đặc điểm riêng được định hình bởi các hoa văn và kỹ thuật đặc biệt, phù hợp với từng khu vực sản xuất. Nghệ nhân Kokeshi kế thừa truyền thống và sáng tạo thêm những mẫu Kokeshi hiện đại, thổi vào đó các xu hướng cuộc sống và phản ánh văn hóa đương đại, thu hút thế hệ trẻ. Kokeshi mang nhiều ý nghĩa độc đáo về lịch sử, tâm linh của địa phương, là biểu tượng của sự an lành và đã trở thành một món quà lưu niệm phổ biến đối với cả người dân Nhật lẫn du khách quốc tế.
Triển lãm mở cửa miễn phí đến hết ngày 26/6 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội).