Kinh gốm có thể coi là cái gạch nối kế tiếp đầy ngẫu hứng sáng tạo của triển lãm Thơ gốm diễn ra năm 2017, nơi Lê Thiết Cương hiện thực hóa ý tưởng độc đáo đưa thi ca cùng hội họa vào những bình, những lọ gốm Bát Tràng. Mạch sáng tác trên gốm còn được anh tiếp nối sau đó, với 10 chiếc bình cỡ lớn lưu giữ những câu thơ Nôm chọn lọc của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm kèm minh họa, lẽ dĩ nhiên theo phong cách tối giản. Những tác phẩm gốm độc bản, được các nghệ nhân làng nghề vuốt tay, nung bằng củi trong lò bầu truyền thống đã điểm xuyết một nét độc đáo riêng có, trên hành trình sáng tạo nghệ thuật được mở ra đến không cùng của chính anh.
Lê Thiết Cương kể, anh đến với gốm từ thời sinh viên. Tuần nào cũng cặm cụi đạp xe sang làng cổ Bát Tràng để xem, để chơi và để học đã giúp anh rành rẽ mọi công đoạn của nghề gốm - từ than củi đến lò bễ, từ làm đất đến tạo hình sản phẩm, từ vẽ khắc hoa văn đến men thuốc, từ vào lò đến ra lò...Nghe anh say sưa lý giải về gốm mà thấy mê. Rằng “lịch sử mỹ thuật của người Việt là lịch sử của gốm”. Rằng “gốm hội đủ cả tam tài thiên - địa - nhân lẫn ngũ hành kim - mộc - thủy - hỏa - thổ”.
Hơn bốn chục tác phẩm gốm đặc sắc mà anh cầu kỳ chọn lựa và mang tới triển lãm lần này đều là những vật dụng mộc mạc, dân dã bao đời gắn bó với cuộc sống người Việt. Những chum và những chậu, những chiếc lon giã cua hay chiếc vại muối cà, những ấm sắc thuốc hay cái tiểu nhi... Rồi bình, rồi lọ, rồi đĩa nhỏ đĩa to. Tất cả đã trở thành nhịp cầu hữu hiệu chuyển tải những nét mộc mạc đặc trưng làm nên thương hiệu của từng làng nghề truyền thống vào mỗi tác phẩm. Sự tình cờ của củi lửa, men thuốc, nặn vuốt tay đã tạo ra sự hữu tình đặc biệt cho những tác phẩm độc bản. Để người xem có thể dễ dàng nhận ra gốm sành Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) với màu men da lươn tiêu biểu, gốm sành không men Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) với nước da nâu cháy khoẻ khoắn. Rồi gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) với kiểu dáng, nước men, họa tiết trải dài từ đời Lý - Trần - Lê qua Mạc - Nguyễn tạo nên bức chân dung gốm Việt độc đáo. Hay gốm đất nung Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) với thứ da gốm mọng bóng, rất đẹp và rất riêng.
Tiếc nuối và xót xa khi chứng kiến những làng gốm cổ đang chết dần, Lê Thiết Cương nhận ra chúng ta không chỉ đang mất đi những sản phẩm gốm cụ thể (như chiếc ấm sắc thuốc Hương Canh, như cái lai Phù Lãng đựng hạt giống treo trong bếp...) mà còn đang đánh mất văn hóa, tập tính, lịch sử của chính người Việt. Chính bởi vậy, bằng thơ gốm của ba năm trước và Kinh gốm của hôm nay, người nghệ sĩ nặng lòng với gốm muốn làm mới, tôn vinh và đưa gốm đến gần hơn với cuộc sống đương đại, như một cách thức hữu hiệu bảo tồn và gìn giữ nâng niu các làng nghề.
Và để những tác phẩm gốm sáng tạo ra “là nó mà lại là nó khác, đẹp và hiện đại, để gốm sống được trong đời sống hiện đại”, Lê Thiết Cương chọn lựa những câu kinh Phật và thơ Thiền để viết lên, kèm minh họa trên tinh thần “tối giản” mà anh đã kiến tạo và bao năm miệt mài theo đuổi. Ngắn gọn, đa phần chỉ vài chữ nhưng hàm chứa những tư tưởng triết học Phật giáo lớn lao (như Phiền não tức bồ đề, Bát nhã là bất nhị, Mặc như lôi...) hay những câu thơ chắt lọc, hàm súc và cô đọng mỹ học Thiền (như Bát nhã chân vô tông/Nhân không ngã diệc không của Hoàng đế Lý Thái Tông, Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền của Phật Hoàng Trần Nhân Tông) được anh dụng công lưu lại trên gốm. Để bất cứ ai cũng có thể ngẫm ngợi và thấm nhuần tư tưởng Phật học và Thiền học, như anh.
Không chỉ có thế, để tương hỗ và làm bật lên sắc màu Kinh gốm chủ đạo, chủ nhân của triển lãm còn “vẽ thơ Thiền Lý - Trần” bằng bột màu trên vải màn giản dị, chất liệu đã từng song hành cùng anh trong suốt 15 năm trời (từ 1990 đến 2005). 13 bức tranh là 13 câu thơ, 13 cảm nhận cá nhân thông qua cách thức tạo hình tối giản. Song hành cùng gốm, bổ sung một mảnh ghép hoàn hảo cho gốm, có lẽ chỉ Lê Thiết Cương mới thiết lập được những cặp phạm trù tương hợp và độc đáo đến vậy.
Trong cái se lạnh hanh hao đầy quyến rũ của một Hà Nội đang thu, lắng nghe kinh Phật và thơ Thiền đối thoại cùng mỹ thuật hiện đại trong không gian triển lãm đậm màu hoài cổ, ta sẽ có cảm giác như vừa được nhận một món quà - vô giá.
Triển lãm Kinh gốm diễn ra từ ngày 2 đến 12-10, tại Gallery 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội.
Là người có tiếng kỹ tính, cầu toàn và luôn hướng tới sự hoàn mỹ tuyệt đối cho mọi sản phẩm nghệ thuật mang thương hiệu Lê Thiết Cương, trong khuôn khổ dự án Kinh gốm, anh còn đồng thời cho ra mắt một cuốn sách tinh tế và sang trọng. Một bộ ảnh tối giản đẹp tới mức ám ảnh, một phong cách thiết kế mang đậm tinh thần tiên phong, trưởng nam Lê Nguyên Nhật đã khiến Kinh gốm của cha được cộng hưởng và thăng hoa. Như một sợi dây liên kết bền chặt - “cha truyền, con nối”. |