Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản – Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp cùng Hội búp bê Edo – Kimekomi truyền thống Sachiei – kai, Hiệp hội Giao lưu Văn hoá Kimono tổ chức.
Với số lượng trên 250 búp bê được giới thiệu ở hai địa điểm, triển lãm giới thiệu nhiều thể loại búp bê khác nhau. Ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, triển lãm giới thiệu khoảng 200 búp bê, chủ yếu là búp bê Edo – Kimekomi. Búp bê Kimekomi có từ thế kỷ XVII, được làm bằng những mảnh gỗ liễu và quấn lên đó những miếng lụa hoặc gấm. Mỗi búp bê phải mất khoảng hai năm mới hoàn thiện xong. Theo quan niệm ở Nhật Bản búp bê Kimekomi có thể xua đuổi được tà ma, bệnh tật, khí uế, bảo vệ người già và trẻ nhỏ.
Tác phẩm “Đón Tết” được thực hiện trong một năm.
Ngoài ra cũng bao gồm những loại búp bê khác được sử dụng trong Lễ hội Bé gái hay còn gọi là Hina Matsuri, búp bê chiến binh và những hiện vật sử dụng trong Lễ hội Bé trai. Đặc biệt có sưu tập búp bê mang gương mặt chuột được trưng bày theo lối sắp đặt, thể hiện không khí đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui vẻ, cả gia đình chuột đoàn tụ cùng nhau làm bánh. Tác phẩm này được tác giả Sathiei Itoh thực hiện trong một năm.
Ở Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản, số 27 phố Quang Trung, trưng bày sưu tập cổ gồm khoảng 40 búp bê được lựa chọn gồm búp bê nữ trong trang phục Kimono, búp bê mô phỏng các nhân vật trong nghệ thuật biểu diễn truyền thống Nhật Bản như kịch Noh và Kabuki, búp bê Hakata hoặc búp bê bằng đất sét, búp bê Kokeshi với đặc trưng văn hoá nổi bật.
Đông đảo người dân đã đến để tận mắt chiêm ngưỡng búp bê Nhật Bản.
“Búp bê” là một phần cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản. Búp bê Nhật Bản phản ánh phong tục truyền thống ở Nhật Bản, những khát vọng của người Nhật Bản. Búp bê chứa đựng những đặc trưng văn hoá vùng, và qua nhiều thế kỷ đã phát triển thành nhiều dạng thức phong phú và đa dạng.
Ông Kazumi Inami – Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Nhật rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn văn hoá truyền thống. Nhật Bản có một hệ thống công nhận bảo vật quốc gia, qua đó để lưu giữ và bảo tồn không chỉ búp bê mà còn những loại hình biểu diễn truyền thống khác.
Một du khách nước ngoài thích thú trước những con búp bê Nhật Bản.
“Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm, riêng Quỹ Giao lưu Văn hoá Nhật Bản có bộ sưu tập búp bê riêng và đưa đi triển lãm khắp nơi trên thế giới” – ông Kazumi Inami nói.
Điều đặc biệt ở triển lãm lần này là khách tham quan còn có cơ hội tham gia các hoạt động tương tác, trải nghiệm tìm hiểu những nét văn hoá đặc trưng Nhật Bản như: mặc thử trang phục Kimono Yukata truyền thống của phụ nữ Nhật Bản, thực hành nghệ thuật gấp giấy, tham gia các trò chơi truyền thống của trẻ em Nhật Bản và được các nghệ nhân Hội Búp bê Sachiei giới thiệu và hướng dẫn cách làm búp bê.
Các em nhỏ Việt Nam được mặc kimono và thực hành nghệ thuật xếp giấy.
Triển lãm diễn ra từ ngày 7 đến 31 – 3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản.
Đại diện Hội Búp bê truyền thống Edo – kimekomi Sachiei - kai tặng búp bê cho các đại biểu.