Ngày 22/4, tại trường lang Đại Cung Môn (Đại nội Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức triển lãm và thuyết trình “Bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn” nhằm giới thiệu với công chúng về giá trị của một kiệt tác văn chương của Việt Nam nhân hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.
Triển lãm giới thiệu miêu tả đặc điểm, tính chất của Bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn thông qua 36 panel được thiết kế phù hợp không gian trưng bày.
Theo thông tin từ nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo in trong “Truyện Kiều, bản Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn, lưu trữ tại thư viện Anh quốc” (Nxb. Lao động, 2017), cuốn cổ thư này từng được bày bán ở một hiệu sách cổ ở Paris, sau đó được Thư viện Anh quốc sưu tập rồi trở thành thư mục nằm trong bộ sưu tập cổ thư của thư viện này từ năm 1894.
Giới thiệu và thuyết trình về triển lãm, ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho hay, đây là bản của Hoàng gia triều Nguyễn với đặc điểm nổi bật đầu tiên là bìa sách. Trang trí bìa của quyển bản Kiều này hoàn toàn phù hợp phong cách cung đình. Bìa bằng vải màu vàng, dệt hình rồng, mặt rồng ngang, thân uốn khúc, chân năm móng bấu vào mây ngũ sắc, trang trí chung quanh nền là họa tiết dệt hình bát bửu. Tính chất của họa tiết rồng năm móng đưa đến nhận xét đây là bản của nhà vua “ngự lãm”.
Theo thuyết trình của ông Trung, có lẽ bản Kiều này đã bị lấy đi tại sự kiện thất thủ Kinh đô 1885, khi mà người Pháp cùng quân đội viễn chinh đã tràn vào xâm chiếm Kinh đô, vào Hoàng Thành và lấy đi không ít của cải cùng nhiều báu vật của triều đình Huế. Đây là Bản Kiều chép tay mà có lẽ là quyển sách đẹp nhất và cầu kỳ nhất về hình thức của loại hình sách bằng giấy dó trong lịch sử trung đại ở Việt Nam.
Trong bản thuyết trình của bình, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung đã trình bày khá cụ thể về kết quả nghiên cứu và đặt ra giả thuyết trước đây của mình với nhận định, phải chăng vua Tự Đức là thân bút chép bản Kiều này. Tuy nhiên, tiếp thu một ý kiến cho rằng đã có chữ “phạm húy” trong bản Kiều nên giả thuyết đó cần phải được thận trọng hơn, cần phải được nghiên cứu toàn diện hơn.
“Một bản Kiều có nguồn gốc tại Huế như vậy có ý nghĩa rất đặc biệt, trên hết là tính chất độc bản được thực hiện rất công phu với các phần chữ Hán, chữ Nôm và đặc biệt là tranh minh họa tương ứng với từng trang được vẽ rất chi tiết, xứng đáng được đánh giá là một bản Kiều cực kỳ quý hiếm, rất có giá trị đối với văn hóa Huế gắn liền với tên tuổi của Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới”, ông Nguyễn Phước Hải Trung nhấn mạnh.