Triển lãm trưng bày các tư liệu, văn bản, ấn phẩm và bản đồ được tập hợp từ các nguồn tư liệu đã được công bố của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế, được phân thành sáu chủ đề, nhằm cung cấp các thông tin, bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam; khẳng định lập trường chính nghĩa với vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đồng thời, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua hơn 100 bản đồ, Atlas tuyển chọn từ hơn 260 bản đồ, Atlas của Việt Nam và các nước phương Tây liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các bức tranh vẽ “Lược sử Việt Nam”, tóm tắt quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương đến thời kỳ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; bộ châu bản triều Nguyễn, niên đại từ triều Minh Mạng (1820-1841) đến Bảo Đại (1926-1945), phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục dưới triều Nguyễn; một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thời gian qua.
Tại đây, công chúng được xem trình chiếu Triển lãm số 3D cùng chủ đề, được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thực tại ảo 3D, bằng cách số hóa một số tư liệu có giá trị pháp lý cao, như thư tịch, châu bản, bản đồ cổ của Việt Nam; bản đồ các nước phương Tây... được tích hợp và số hóa dưới dạng âm thanh, văn bản trên nền tảng công nghệ thực tại ảo 3D, cho phép người xem được tự do đi lại và khám phá các tư liệu, hiện vật trong không gian ảo như thật.
Trong khuôn khổ triển lãm, diễn ra chương trình giao lưu giữa cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường với các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Biển Đông, về các chủ đề liên quan đến biển, đảo; đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Triển lãm diễn ra tại khuôn viên Trường đại học Đà Lạt đến ngày 18-11.