Triển khai thi công Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đón tàu 100 nghìn tấn

NDO - Sáng 25/3, tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị và Công ty cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy triển khai thi công Khu bến cảng Mỹ Thủy.
0:00 / 0:00
0:00
Thực hiện nghi thức khởi công Khu bến cảng Mỹ Thủy.
Thực hiện nghi thức khởi công Khu bến cảng Mỹ Thủy.

Cảng biển Mỹ Thủy là cảng nước sâu trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải trung bộ, có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 14 nghìn tỷ đồng, độ sâu luồng và vũng quay tàu trên 17m; có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 100 nghìn tấn.

Phát biểu triển khai thi công, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, Khu bến cảng Mỹ Thủy là dự án trọng điểm, khi hoàn thành có ý nghĩa quan trọng thu hút đầu tư, phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh; là động lực thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị. Sự kiện quan trọng này sẽ góp phần hiện thực hóa việc đồng bộ cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó cảng biển có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với nền kinh tế tỉnh Quảng Trị. Đây là lối ra Biển Đông, khai thác tối đa lợi thế về dịch vụ cảng, vận tải biển và các dịch vụ liên quan làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh và khu vực miền trung.

Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2019, với quy mô diện tích đất và mặt nước 685ha; gồm 10 bến, phát triển theo 3 giai đoạn, với tiến độ xây dựng từ năm 2019-2036.

Trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nhưng được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh; đến hôm nay nhiều điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết, tháo gỡ kịp thời. Đáng chú ý, trách nhiệm và quyết tâm của nhà đầu tư trong việc nỗ lực hoàn thành các thủ tục pháp lý để thực hiện dự án đúng quy định.

Triển khai thi công Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đón tàu 100 nghìn tấn ảnh 2

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng yêu cầu nhà đầu tư khi đã bắt tay vào triển khai thi công thì phải có quyết tâm cao để sớm hoàn thành công trình quan trọng này.

“Khu bến cảng Mỹ Thủy nằm ở vị trí cửa ngõ thông ra Biển Đông; là điểm đầu của hành lang kinh tế đông tây kết nối tỉnh Quảng Trị của Việt Nam với các nước: Lào, Thái Lan, Myanmar và ngược lại. Đây cũng là hành lang đường bộ ngắn nhất nối từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Vị trí khu bến cảng kết nối thuận lợi với các hệ thống giao thông quốc gia và của tỉnh như: Quốc lộ 1; đường sắt, cao tốc đường bộ bắc-nam; đường ven biển kết nối hành lang kinh tế đông tây để nối với các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay, các khu công nghiệp trong tỉnh.

Đây là lợi thế rất lớn để cảng Mỹ Thủy trở thành đầu mối trung chuyển hàng hóa trên hành lang kinh tế đông tây cũng như tạo sự tương hỗ, giao thương vận chuyển hàng hóa giữa các cảng biển trong khu vực miền trung cũng như lối mở ra Biển Đông; nhằm khai thác phát huy tiềm năng, thế mạnh để liên kết phát triển vùng theo tinh thần Nghị quyết số 26 ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

Hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên hành lang kinh tế đông tây qua cảng biển Quảng Trị và các cảng biển trong khu vực miền trung ngày một tăng cao. Hàng container, than đá, các loại khoáng sản, nông lâm sản với khối lượng lớn từ các tỉnh nam Lào, đông bắc Thái Lan qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay rất lớn, nên việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trở thành vấn đề rất cấp thiết.

Việc xây dựng sớm hoàn thành khu bến cảng là động lực bứt phá không chỉ đối với ngành vận tải, logistics mà ngành dịch vụ-du lịch Quảng Trị cũng sẽ được hưởng lợi; tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển cho tỉnh Quảng Trị trong tương lai. Những tiềm năng này phù hợp Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đó là cảng nước sâu Mỹ Thủy sẽ phát triển trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và thế giới.

Triển khai thi công dự án trọng điểm này cùng với các dự án động lực khác như: Khu công nghiệp Quảng Trị đã khởi công vào ngày 15/12/2023, Cảng hàng không Quảng Trị dự kiến tổ chức khởi công trong quý II/2024; Trung tâm điện khí Hải Lăng sẽ triển khai vào quý III/2024; dự án Quốc lộ 15D nối từ cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng nước sâu Mỹ Thủy, dự án cao tốc đường bộ Cam Lộ-Lao Bảo đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư... là những hạ tầng kỹ thuật quan trọng, tiền đề để xây dựng Khu kinh tế đông nam Quảng Trị trở thành một khu kinh tế năng động, hiện đại, có tầm cỡ ở miền trung, cũng như cả nước và khu vực.

Triển khai thi công Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đón tàu 100 nghìn tấn ảnh 3

Các đơn vị thi công sẵn sàng ngay sau lễ triển khai xây dựng công trình Khu bến cảng Mỹ Thủy.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu nhà đầu tư khi đã bắt tay vào triển khai thi công thì phải có quyết tâm cao, tập trung huy động đầy đủ nguồn lực tài chính, nhân lực, vật tư phương tiện thiết bị, đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thi công chi tiết, bài bản bảo đảm tính khả thi để không bị gián đoạn. Tranh thủ thời tiết thuận lợi để tổ chức các mũi thi công tổng lực nhằm thực hiện dự án đúng tiến độ, có chất lượng cao, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường theo quy định. Quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 bến cảng nhằm sớm phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị.

Đại diện nhà đầu tư nêu quyết tâm đến năm 2025 sẽ hoàn thành từ 2 đến 4 bến với tổng chiều dài tuyến mép bến 1.300m, tổng chiều dài cầu cảng 1.350m, chiều rộng 50m cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật,công trình phụ trợ đi kèm cho tàu có trọng tải đến 100.000 tấn đến bốc xếp, vận chuyển hàng hóa.

Mặt khác sớm đưa Khu bến cảng Mỹ Thủy vào hoạt động là cơ hội giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động trực tiếp và gián tiếp với nhiều ngành nghề đa dạng, góp phần đẩy mạnh xuất nhập khẩu, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các nước trên thế giới, góp phần tạo bước đột phá để chuyển dịch nền kinh tế của tỉnh Quảng Trị theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.