Triển khai nhiều kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội

Ổn định nguồn nhân lực nhằm phát triển công nghiệp bền vững, tỉnh Bình Dương triển khai nhiều chương trình, kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội và bước đầu đạt kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận được nhà ở giá rẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Khu nhà ở xã hội Becamex Ðịnh Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư.
Khu nhà ở xã hội Becamex Ðịnh Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư.

Giúp người lao động mua nhà giá rẻ

Là địa phương phát triển công nghiệp, tỉnh Bình Dương hiện thu hút hơn 1,64 triệu lao động đang làm việc, trong đó có hơn 1 triệu lao động là người ngoài tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Từ Chương trình về phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011-2015 được Tỉnh ủy Bình Dương ban hành năm 2011 và Quyết định Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt Ðề án xây dựng nhà ở an sinh xã hội Becamex giai đoạn 1, từ năm 2011 đến năm 2015, tại Bình Dương đã có gần 1,47 triệu m² nhà ở xã hội đáp ứng chỗ ở cho hơn 101 nghìn người; trong đó có 14 dự án thuộc Ðề án nhà ở an sinh xã hội Becamex do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư với 737 nghìn m2 đáp ứng cho hơn 40 nghìn người.

Tiếp đó trong giai đoạn 2016-2020, tại Bình Dương đã có thêm hơn 1,33 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; trong giai đoạn này, Ðề án nhà ở xã hội-nhà ở công nhân do Tổng Công ty Becamex IDC đề xuất đầu tư đã được phê duyệt. Ngay trong năm 2022 vừa qua, trong điều kiện chung vẫn còn khó khăn và dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng nhưng tại Bình Dương, đã có thêm 5 dự án nhà ở xã hội quy mô lớn với hàng nghìn căn hộ đã được khởi công xây dựng, như: Tổng Công ty Becamex IDC khởi công xây dựng 20 nghìn căn; Tổng Công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị khởi công xây dựng dự án Khu nhà ở xã hội An Sinh gần 1.000 căn; Tập đoàn Lê Phong triển khai dự án Chung cư nhà ở xã hội Tân Ðông Hiệp với gần 1.000 căn hộ...

Ði tiên phong xây dựng nhà ở xã hội tại Bình Dương, mô hình nhà ở xã hội Becamex trên cơ sở quỹ đất sạch đã được đầu tư và đưa vào sử dụng với giá bán ưu đãi phù hợp với thu nhập của người lao động. Kết hợp với các hình thức cho vay mua nhà với mức giá từ 100 triệu đến 200 triệu đồng/ căn hộ (30m2 sàn), mô hình nhà ở xã hội Becamex đã thu hút được hàng nghìn công nhân lao động, người thu nhập thấp.

Ðến nay, Tổng công ty Becamex IDC đã và đang hoàn thiện hơn 64 nghìn căn và sắp tới, Tổng công ty nâng số lượng lên đến 118 nghìn căn nhằm phục vụ những người lao động có thu nhập thấp.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động thu nhập thấp được tiếp cận nhà ở xã hội, Becamex IDC quyết tâm hạ giá thành tối đa bằng việc lựa chọn quỹ đất đã được chuyển mục đích sử dụng để triển khai các dự án, giá bán căn hộ chỉ là giá trị xây dựng và các hạ tầng khác chứ hoàn toàn không tính giá đất. Ðây là cách làm chưa từng có của dự án nhằm bảo đảm mức giá bán hợp lý và phù hợp với thu nhập của người lao động.

Ngoài ra, Tổng công ty cũng hỗ trợ thông qua việc liên kết với các ngân hàng giúp người lao động mua nhà ở xã hội tiếp cận các gói vay ưu đãi, trả chậm trong thời gian dài. Linh hoạt đáp ứng nhu cầu của người dân, ngoài các căn hộ có diện tích 30m2 bao gồm gác lửng, Tổng công ty cũng xây dựng các căn hộ từ 30 đến 50m2 không có gác lửng; cùng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư toàn diện đi cùng.

Tháo gỡ những vướng mắc

Nỗ lực phát triển nhà ở xã hội là vậy nhưng thực tế hiện nay cũng có những khó khăn nhất định. Báo cáo tình hình triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp của Tỉnh ủy Bình Dương mới đây chỉ rõ: Mặc dù đã tập trung triển khai, nhưng do khó khăn về cơ chế, chính sách, đất đai và nguồn vốn, nên việc phát triển chỉ tiêu nhà ở xã hội chỉ đạt khoảng 65% kế hoạch đề ra.

Thủ tục trong việc xác nhận đối tượng đủ điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội còn vướng mắc, kéo dài; các quy định khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật dự án chưa rõ ràng; trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng; cơ chế, chính sách ưu đãi đối với việc xây dựng nhà ở xã hội chưa thật sự thu hút, khuyến khích được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng do lợi nhuận thấp (tối đa 10%), thời gian đầu tư kéo dài và thu hồi nguồn vốn chậm.

Chỉ ra những khó khăn, tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Xây dựng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp trong vấn đề lựa chọn chủ đầu tư còn chồng chéo, chưa thống nhất quy định của luật đầu tư, pháp luật đấu thầu về đất đai; xem xét quy định về 20% phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê trong dự án nhà ở xã hội; cần đơn giản hóa các quy định về xét duyệt đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp. Tỉnh cũng kiến nghị các bộ, ngành quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp cho người lao động.

Cùng việc kiến nghị giải quyết những vấn đề mang tính vĩ mô, tỉnh Bình Dương cũng đang thực hiện các giải pháp tăng cường phát triển nhà ở xã hội. Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Võ Hoàng Ngân cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành, địa phương xây dựng Ðề án phát triển nhà ở xã hội tiếp theo cho giai đoạn mới. Ðề án sẽ phát triển hơn 4 triệu m2 sàn tương ứng với khoảng 100 nghìn căn hộ cho công nhân và người lao động ở đô thị và các khu công nghiệp. Sở Xây dựng và các sở, ngành đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp về phát triển quỹ đất đai, phát triển nguồn vốn, nguồn lực của xã hội nhằm kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước cũng như của tư nhân tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh chia sẻ, với mục tiêu phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa phải đi đôi với ổn định an sinh xã hội, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội nhằm thực hiện chính sách xã hội hóa việc xây dựng nhà ở để bán và cho thuê đối với người có thu nhập thấp, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Nhà nước về đầu tư nhà ở, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, giải quyết nhà ở cho các đối tượng chính sách, cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tại tỉnh khẩn trương quy hoạch các dự án về nhà ở xã hội vào các quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm ổn định cuộc sống lâu dài cho người lao động, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương.