Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, vấn đề giảm tải cho các bệnh viện thành phố luôn được Bộ Y tế, lãnh đạo thành phố và Sở quan tâm, chỉ đạo sâu sát triển khai nhiều giải pháp giảm tải. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ 10 giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải.
Trước mắt, ngành y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả của đề án “Bệnh viện vệ tinh”, “Khoa vệ tinh”, “Phòng khám vệ tinh” của các bệnh viện (BV) chuyên khoa, đa khoa của thành phố cho các BV tuyến tỉnh, quận, huyện của thành phố. Tiếp tục triển khai đề án luân phiên bác sĩ từ các BV thành phố xuống các BV quận, huyện còn gặp khó khăn trong bổ sung nguồn nhân lực. Đồng thời, bổ sung bác sĩ từ BV quận, huyện xuống các Trạm y tế, bảo đảm mỗi trạm có ít nhất một bác sĩ, phấn đấu có hai bác sĩ trong thời gian tới.
Đối với các biện pháp giảm tải ngay ở từng bệnh viện: ngành y tế sẽ tăng bàn khám, kê thêm giường, ứng dụng công nghệ thông tin rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, tăng giờ làm việc kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ. Đẩy mạnh hoạt động điều trị ngoại trú, như phẫu thuật trong ngày, giường lưu; chuyển ngược bệnh nhân đã được chẩn đoán, điều trị ổn định, với kế hoạch điều trị tiếp theo cho BV tuyến dưới tiếp tục điều trị. Tăng cường phối hợp công – tư, sử dụng nguồn giường bệnh hiện chưa sử dụng hết công suất tại các BV ngoài công lập, nghiên cứu các cơ sở pháp lý triển khai thí điểm để các BV đang quá tải có thêm cơ sở hai. Triển khai quy trình chủ động phối hợp và hỗ trợ của các BV thành phố với BV quận, huyện và BV quận, huyện với các Trạm y tế. Triển khai “quy trình phản ứng nhanh” trong cấp cứu người bệnh tại mỗi BV và liên viện, bước đầu cứu sống nhiều trường hợp nặng, tạo niềm tin cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại một số BV quận, huyện.
Về các giải pháp lâu dài, PGS,TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết sẽ tăng số giường bệnh và chất lượng giường bệnh, xây thêm BV mới.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định sẽ tăng số lượng và năng lực nguồn nhân lực y tế cả về nhân lực chuyên môn và nhân lực quản lý. Tăng quy mô đào tạo bác sĩ của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, để mỗi năm thành phố có thêm 1.000 bác sĩ mới tốt nghiệp; chuẩn hóa năng lực chuyên môn bác sĩ. Đào tạo kiến thức quản lý bệnh viện cho gần một nghìn bác sĩ, đồng thời tăng năng lực và chất lượng khám chữa bệnh tại y tế cơ sở…
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị BV tuyến tỉnh phải phát triển đồng bộ. Các BV tuyến cuối của thành phố góp sức cho các BV tỉnh triển khai đề án BV vệ tinh tại các tỉnh khu vực phía nam theo sự phân công của Bộ Y tế.
“Mong các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền cho người dân biết các BV quận, huyện, BV tỉnh đã phát triển tốt kỹ thuật khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ… tạo sự an tâm và niềm tin cho người dân để góp phần giảm tải trước mắt cũng như lâu dài. Các biện pháp đang được ngành y tế triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ chắc chắn sẽ giữ vai trò quan trọng để giải quyết tình trạng quá tải kéo dài tại các bệnh viện tuyến cuối của thành phố”, PGS, TS Nguyễn Tấn Bỉnh nói.
Được biết TP Hồ Chí Minh có 32 BV thuộc thành phố, 23 BV quận - huyện, 14 BV tuyến T.Ư, 38 BV tư nhân. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân đạt cao hơn mức trung bình cả nước. Tuy nhiên, do người bệnh các tỉnh phía nam thường đổ về TP Hồ Chí Minh nên các BV luôn trong tình trạng quá tải. Năm năm qua, các BV (thuộc thành phố) đã khám, điều trị cho hơn 12 triệu lượt người bệnh.