Triển khai mạnh mẽ các giải pháp thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm

Theo đánh giá, thị trường lao động đầu năm 2024 có những tín hiệu tích cực khi tỷ lệ lao động quay lại làm việc ở các địa phương khá cao, có những địa phương đạt tỷ lệ 100% như Bắc Ninh, Bắc Giang... Đây là cơ sở thuận lợi để cơ quan Bảo hiểm xã hội đẩy mạnh triển khai các giải pháp thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tạo đà tăng ngay từ đầu năm.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2024. (Ảnh TÂM TRUNG)
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2024. (Ảnh TÂM TRUNG)

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2024, đánh giá bối cảnh năm 2024 có cả yếu tố thuận lợi và khó khăn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục nêu cao quyết tâm, chủ động, sáng tạo xây dựng các kịch bản, giải pháp cụ thể ở từng nhóm đối tượng, rõ chỉ tiêu ở từng mảng công tác để thực hiện hiệu quả nhất công tác thu và phát triển đối tượng.

Tăng cường thu, giảm số tiền chậm đóng

Nhận định về tình hình lao động tác động tới công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2024, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ, Thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, tỷ lệ lao động quay lại làm việc ở các địa phương khá lạc quan, có những địa phương đạt tỷ lệ 100%... Đây là cơ sở thuận lợi để cơ quan Bảo hiểm xã hội đẩy mạnh triển khai các giải pháp thu, phát triển người tham gia ngay từ đầu năm.

Tuy nhiên, dự báo trong năm sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi tiếp tục cần triển khai đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp đôn đốc thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. "Vì vậy, căn cứ kế hoạch được giao, Bảo hiểm xã hội tỉnh giao chỉ tiêu cho từng huyện, tổ chức dịch vụ thu và triển khai các giải pháp để phát triển người tham gia trên địa bàn; phát động phong trào thi đua trong công tác thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để động viên, khích lệ các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, sáng kiến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" - ông Dương Văn Hào nhấn mạnh.

Đánh giá bối cảnh năm 2024 có cả yếu tố thuận lợi và khó khăn, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục nêu cao quyết tâm, chủ động, sáng tạo xây dựng các kịch bản, giải pháp cụ thể ở từng nhóm đối tượng, rõ chỉ tiêu ở từng mảng công tác; đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò tham mưu của cơ quan Bảo hiểm xã hội để tăng cường sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương; tiếp tục nêu cao hơn nữa vai trò của ban chỉ đạo các cấp, nhất là cấp xã, gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu.

Chủ động triển khai các giải pháp

Tại hội nghị, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các tỉnh, thành phố, với tinh thần khẩn trương đã bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2024, bám sát tình hình thực tiễn, chỉ đạo triển khai mạnh các giải pháp thu, phát triển người tham gia. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị vận dụng sáng tạo, linh hoạt các bài học kinh nghiệm, tiếp tục tranh thủ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương; xây dựng kịch bản thu, phát triển người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội năm 2024, giao chỉ tiêu và yêu cầu Bảo hiểm xã hội các huyện nhanh chóng triển khai; tập trung nhân rộng các mô hình hay, phù hợp; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp…

Chia sẻ thông tin, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Thanh khẳng định, Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu năm 2024. Theo đó, thành phố sẽ tập trung rà soát dữ liệu thuế để phát triển số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; đồng thời rà soát, phân tích dữ liệu để tập trung thu với các nhóm khác như hộ gia đình, học sinh, sinh viên… Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp quyền truy cập trong hệ thống, qua đó cơ quan có thể chủ động rà soát, lọc dữ liệu đối tượng tiềm năng, qua đó kịp thời thực hiện các giải pháp, nhất là tuyên truyền, vận động trực tiếp ở các địa bàn dân cư.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Duy Hiểu cho biết, số đơn vị sử dụng lao động hoạt động trở lại đạt 94%, số lao động quay trở lại đạt 90% và dự báo nhu cầu tuyển dụng khá cao (sáu tháng đầu năm cần khoảng 42.000 người). Vì vậy, Bảo hiểm xã hội tỉnh đang theo sát tình hình, có văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tăng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định pháp luật. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ban quản lý các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, công an, thuế... để triển khai các giải pháp…".

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An Lê Viết Thức khẳng định, việc đưa chỉ tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào chỉ tiêu kinh tế-xã hội ở địa phương thật sự phát huy hiệu quả, nhất là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương rất đáng ghi nhận. Đồng chí Lê Viết Thức cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành chỉ thị về thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gắn với thu ngân sách năm 2024. Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh giao chỉ tiêu và yêu cầu Bảo hiểm xã hội các huyện nhanh chóng triển khai các giải pháp; yêu cầu các tổ chức dịch vụ thu rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kiên quyết dừng hoạt động với các đơn vị không đạt yêu cầu...

Năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn, thách thức, chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp lần lượt đạt 39,25%; 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, đạt 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ) với hơn 93,3 triệu người tham gia và là chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội. Tỷ lệ số tiền chậm đóng/số phải thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (giảm từ 6% - năm 2016 xuống còn 2,69%).