Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Chương trình; GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ nhiệm thường trực Chương trình; GS,TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch chuyên trách, Chánh Văn phòng Chương trình.
Thay mặt Ban Chủ nhiệm Chương trình, GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ nhiệm thường trực Chương trình đã báo cáo kết quả thực hiện Chương trình. Theo đó, năm 2022, Ban chủ nhiệm Chương trình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cụ thể, Ban chủ nhiệm Chương trình, Văn phòng Chương trình đã tích cực triển khai các hoạt động của chương trình đúng kế hoạch, có kết quả, bảo đảm an toàn, nhất là lúc đại dịch Covid-19 phức tạp, Ban chủ nhiệm đã tổ chức thành công 39 hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ, 39 Hội đồng tuyển xét chọn, hội thảo Chương trình lần thứ nhất… Ban chủ nhiệm Chương trình cũng đã bám sát, kết hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Văn phòng Trung ương giải quyết nhanh việc cấp kinh phí cho Chương trình.
GS, TS Tạ Ngọc Tấn trình bày Báo cáo tổng kết năm 2022 và Kế hoạch năm 2023 Chương trình KX.04/21-25. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Về hoạt động cụ thể của các đề tài, tuy khách quan có những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và kinh phí được cấp chậm, nhưng Ban chủ nhiệm Chương trình và các chủ nhiệm đề tài, cơ quan chủ trì đề tài đã khẩn trương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của chương trình, đề tài. Các đề tài được thực hiện theo đúng kế hoạch, cơ bản đều hoàn chỉnh hồ sơ và hoàn thiện việc ký hợp đồng với Ban Chủ nhiệm Chương trình.
Nhìn chung, các thuyết minh được hoàn chỉnh tốt theo kết luận của các Hội đồng tư vấn tuyển, xét chọn. Đa số đề tài làm đúng, bảo đảm thời gian, một số đề tài chưa chú ý sự hướng dẫn của Văn phòng Chương trình nên chậm thời gian triển khai.
Qua kiểm tra báo cáo chắt lọc kết quả nghiên cứu lần thứ nhất, một số đề tài báo cáo chất lượng tốt, tính khoa học cao, có luận điểm, có lý giải, có nhận xét riêng, thậm chí có đề xuất mới về lý luận và thực tiễn.
Nhiều đề tài nội dung báo cáo còn chung chung, mang tính hành chính, liệt kê vấn đề nghiên cứu, hoặc tóm tắt các vấn đề nghiên cứu, dàn trải chưa đúng trọng tâm... Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu, một số đề tài đã đóng góp tích cực vào tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về “Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động của hệ thống chính trị”. Báo cáo tư vấn xây dựng nghị quyết về “Chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”; Báo cáo tư vấn về “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Chương trình KX.04/21-25 phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Về kế hoạch năm 2023, có một số nội dung chính cần thực hiện: Tiếp tục chỉ đạo các đề tài hoàn thành cơ bản các nội dung nghiên cứu của các đề tài để chuẩn bị triển khai Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu; Kiên quyết chỉ đạo các đề tài thực hiện đúng tiến độ, tăng cường chất lượng nội dung nghiên cứu; Ban chủ nhiệm Chương trình định hướng báo cáo định kỳ lần thứ 2 và thứ 3; các đề tài thực hiện báo cáo lần thứ 2 (tháng 6/2023) và lần thứ 3 (tháng 12/2023); Ban chủ nhiệm Chương trình tổng hợp Báo cáo chắt lọc kết quả nghiên cứu lần thứ 2 và lần thứ 3 báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tổ chức kiểm tra định kỳ các đề tài trong Chương trình (vào tháng 6 và tháng 12 năm 2023); tổng kết công tác năm 2023 của Chương trình...
Tại Hội nghị, đại diện Ban chủ nhiệm các đề tài nhất trí với Báo cáo tổng kết Chương trình, đồng thời, thảo luận và đưa nhiều đóng góp có giá trị, chia sẻ các khó khăn cũng như kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, góp phần triển khai thành công Chương trình KX 04/21-25.
Các chủ nhiệm đề tài cũng đánh giá cao sự sát sao, đưa ra nhiều hướng dẫn, kết nối, triển khai thông báo, nhắc nhở về báo cáo tiến độ của Ban Chủ nhiệm Chương trình.
PGS, TS Bùi Văn Hiền, Chủ nghiệm đề tài 26, chia sẻ nhiều kinh nghiệm để triển khai và thực hiện đề tài đúng tiến độ. Nhóm nghiên cứu đề ra mục tiêu và lộ trình cụ thể, trong quá trình thực hiện, luôn xác định không ngừng học hỏi, điều gì không biết thì hỏi và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các đồng chí trong Hội đồng Lý luận, các chủ nhiệm đề tài khác.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, cần nhìn nhận lại những việc đã làm, sắp làm và sẽ làm, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt nhất Chương trình. Đây là Chương trình nghiên cứu lý luận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các đề tài có nội dung ở tất cả các lĩnh vực, từ quốc phòng an ninh, đối ngoại đến kinh tế, văn hóa, xã hội, con người...
Kết quả của Chương trình nhằm cung cấp các cơ sở khoa học và thực tiễn, phục vụ sự lãnh đạo chỉ đạo thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; phục vụ việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; phục vụ việc quy hoạch định đường lối của Đảng mà cụ thể là trực tiếp phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội 14 của Đảng. Ban Chủ nhiệm các đề tài cần thực hiện hết sức chặt chẽ, nghiêm khắc, bảo đảm tính lý luận, khoa học; tuân thủ đúng các quy chế của Chương trình.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh yêu cầu về việc chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các đề tài là cần thiết, rất quan trọng và nên làm để Chương trình đạt được chất lượng tốt nhất.