Triển khai công tác phát triển văn hoá, thể thao và du lịch

NDO - NDĐT- Ngày 9-2, tại Quảng Ninh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị triển khai công tác ngành năm 2012. Đến dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các cục, vụ, viện, đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ cùng lãnh đạo các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong cả nước.

Năm 2011, ngành văn hoá, thể thao và du lịch cả nước đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả nhất định, tích cực góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Các đề án, chiến lược, chương trình lớn của ngành tiếp tục được ban hành và triển khai thực hiện; hệ thống thiết chế văn hoá tiếp tục được củng cố, hoàn thiện; đời sống văn hoá từ nông thôn đến thành thị đang có sự chuyển biến tích cực, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc anh em được coi trọng, nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo tồn, công nhận là di sản văn hoá của thế giới như: Thành Nhà Hồ, hát xoan Phú Thọ. Hoạt động văn hóa- nghệ thuật được tổ chức sôi nổi trong cả nước, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về gia đình được nâng cao; thể thao Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ ba trong khu vực, một số môn thể thao đạt trình độ châu Á và thế giới, nhiều vận động viên đạt thành tích cao trong các đấu trường thể thao khu vực và quốc tế, phong trào thể thao quần chúng ngày càng được quan tâm nhiều hơn và phát triển mạnh hơn... Du lịch tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, thu hút hơn sáu triệu lượt khách quốc tế, đạt doanh thu hơn 130 nghìn tỷ đồng, đóng góp trên 5% GDP.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã biểu dương các nỗ lực của ngành văn hoá, thể thao và du lịch và đề nghị ngành cần xây dựng kế hoạch hành động và lộ trình thực hiện các nghị quyết, chương trình phù hợp thực hiện các nghị quyết, chương trình, chiến lược, đề án lớn của ngành từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Phó Thủ tướng cũng nêu lên mười giải pháp trọng tâm mà ngành văn hoá, thể thao và du lịch cần tập trung thực hiện, trong đó chú trọng gắn kết mối quan hệ giữa văn hoá và xây dựng môi trường văn hoá với vấn đề hình thành nhân cách con người Việt Nam; quan tâm xây dựng nguồn nhân lực cán bộ, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành; thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện sáng tác cho các văn nghệ sĩ, nhất là những người có quá trình cống hiến, có nhiều tác phẩm tốt, ảnh hưởng tích cực trong xã hội.

Trong xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, ngành văn hoá, thể thao và du lịch cần gắn phát triển kinh tế- xã hội với phát triển văn hoá; tạo mọi điều kiện nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hoá của nhân dân; từng bước thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền. Mở rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” theo hướng đi vào chiều sâu, có kết quả thiết thực. Ngành nên xây dựng cơ chế phối hợp để triển khai hoạt động ngoại giao văn hoá; trao đổi, giới thiệu và phổ biến sâu rộng những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang đậm bản sắc, tâm hồn, cốt cách của người Việt Nam với các nước. Phối hợp chặt chẽ hoạt động văn hoá, nghệ thuật với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư. Thực hiện tốt phương thức xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác một cách bền vững lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhân văn, đồng bộ và đi vào chiều sâu.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc chỉ đạo, triển khai các chiến lược, nhiệm vụ cơ bản, cần dành sự tập trung cao độ để góp phần hạn chế tình trạng lộn xộn trong quản lý lễ hội, quản lý di sản văn hoá, nghệ thuật biểu diễn; hỗ trợ đời sống văn nghệ sĩ, huấn luyện viên, vận động viên thể thao còn nhiều khó khăn, từng bước giải quyết vấn đề bạo lực gia đình, bất cập trong điều hành một số giải bóng đá, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu tính bền vững, khai thác chưa hợp lý tài nguyên du lịch, nhất là nguồn tài nguyên du lịch biển, đảo, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái để phát triển bền vững.

Các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận về các vấn đề trọng tâm của ngành, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp đột phá để thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại các Chiến lược, Chương trình hành động và Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch đã và đang được triển khai: Chiến lược phát triển văn hóa, Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015; Chương trình phát triển gia đình Việt Nam bền vững... Các đại biểu cũng bàn các giải pháp tăng cường liên kết các chương trình phát triển văn hóa, thể thao gắn với du lịch nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển sự nghiệp văn hóa gia đình, thể dục thể thao và du lịch hiệu quả, bền vững

Nhân dịp này, Bộ Văn hoá, Thể thao cũng đã tổ chức hội nghị phổ biến và triển khai thực hiện các nghị định và chiến lược phát triển của ngành.