Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Sáng 5/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 7 cả nước đã có 5.813/8.227 xã (70,7%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 2,4% so với cuối năm 2021; trong đó, có 803 xã đạt NTM nâng cao, tăng 300 xã so cuối năm 2021 và 94 xã đạt NTM kiểu mẫu, tăng 51 xã; có 254 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt NTM; 18 tỉnh có 100% số xã đạt NTM; trong đó có 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, kết quả đạt chuẩn NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn. Điển hình như: đồng bằng sông Hồng đạt 99,8%, Đông Nam Bộ 91,3% trong khi đó miền núi phía bắc mới đạt 44,1%, Tây Nguyên 57,6%...

Chương trình thực hiện trên địa bàn 8.227 xã (bao gồm cả 1.458 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo), 659 đơn vị cấp huyện (bao gồm cả 74 huyện nghèo thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025).

Phát biểu tại hội nghị, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn cho biết: Mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so năm 2020.

Bên cạnh đó, bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 cũng có chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp hơn với giai đoạn. Cụ thể, đối với những xã nông thôn mới cần đáp ứng 19 tiêu chí, 57 chỉ tiêu (tăng 8 chỉ tiêu so 2016-2020), điều chỉnh nội hàm, tên, nội dung của 15 tiêu chí. Đối với những xã nông thôn mới nâng cao sẽ có 19 tiêu chí, 75 chỉ tiêu (tăng 18 chỉ tiêu so 2016-2020), nâng cao chất lượng 35 chỉ tiêu, bổ sung 34 chỉ tiêu mới...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo cho biết: Hiện nay, theo kết quả xây dựng chương trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đến hết năm 2021, toàn tỉnh mới có 17/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 12,2%); 11 xã đạt 15-18 tiêu chí, 64 xã đạt 10-14 tiêu chí, còn 47 xã đạt 5-9 tiêu chí (chiếm 33,8%); bình quân toàn tỉnh đạt 11,3 tiêu chí/xã.

Tỉnh kiến nghị ưu tiên cho các tỉnh khó khăn như tỉnh Cao Bằng được tham gia các chương trình chuyên đề giai đoạn 2021-2025 đối với các mô hình mà tỉnh đã đăng ký tham gia như: Chương trình OCOP, Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, Chương trình môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới...

Còn theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Phước Hiền, tỉnh còn gặp một số khó khăn về kế hoạch ban hành cho giai đoạn 2021-2025, nhưng thời gian để thực hiện kế hoạch chỉ khoảng 3 năm.

Trong các xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025, phần lớn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hầu hết đạt dưới 15 tiêu chí...

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 ảnh 1

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hiện tất cả các văn bản gồm nghị quyết, quyết định, thông tư, hướng dẫn đã hoàn thiện, đủ điều kiện để tổ chức thực hiện.

Để đạt được mục tiêu một Chương trình vừa có chiều rộng, chiều sâu, vừa xây dựng kết cấu hạ tầng, vừa phát triển kinh tế kết hợp văn hóa, xã hội nông thôn sẽ không đủ nguồn vốn nên ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương cần lồng ghép với nguồn vốn địa phương và kêu gọi vốn xã hội hóa, vừa thu hút doanh nghiệp về nông thôn, vừa tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay tại mỗi địa phương.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sẽ bảo đảm nông thôn mới phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống cho người dân khi được tiếp cận giáo dục, y tế, bình đẳng giới... Chương trình không thể “mặc đồng phục” ở tất cả các địa phương mà cần dựa trên các giá trị truyền thống, từ đó đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn. Các địa phương, cơ sở cũng cần sâu sát hơn, tránh chạy theo xu hướng, tránh sự xung đột giữa đô thị hóa và các giá trị làng quê...