Trí thức trẻ tình nguyện ở các khu kinh tế - quốc phòng

Khu kinh tế - quốc phòng (KTQP) do Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng, đã được ghi vào Luật Quốc phòng (Luật 39/2005/QH11). Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của trí thức trẻ cùng quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, ngày 31-10-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1136, phê duyệt dự án Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu KTQP (gọi là Dự án 1136).

Thực hiện Dự án 1136, đến ngày 20-9-2006, 19 đoàn KTQP đã tuyển chọn 380/400 trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN). Trong đó có 150 nữ, 230 nam, thuộc 13 dân tộc trên mọi miền đất nước; 74 người có trình độ đại học, 43 cao đẳng và 263 trung cấp; tập trung hơn 20 ngành nghề, nhiều nhất là ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 32,47%, kinh tế 13,51%, y tế 13,25%, xây dựng 11%, điện 7,27%, giáo dục 5,71%...

Những TTTTN bảo đảm 100% trong độ tuổi quy định (dưới 31 tuổi), đủ sức khỏe, nhiệt tình và phẩm chất đạo đức tốt; hầu hết chưa lập gia đình và hơn 80% là người cư trú ở địa phương, cho nên thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ dự án.

Ðại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Tín, Phó Cục trưởng Kinh tế, Bộ Quốc phòng, cho biết, các khu KTQP đã và đang trở thành điểm sáng trên các địa bàn chiến lược, là chỗ dựa của cấp ủy, chính quyền địa phương. Sau gần hai năm công tác ở Ðoàn KTQP, các TTTTN với trình độ văn hóa đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đã góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả năm nội dung của Dự án 1136.

Trên cơ sở các kiến thức văn hóa, nghề nghiệp và lòng nhiệt tình, 125 đội viên TTTTN thuộc ngành nông, lâm, ngư nghiệp với phương châm "cầm tay chỉ việc" vừa nói vừa làm đã giúp đồng bào các dân tộc gieo trồng gần 450 ha cây ăn quả, cây công nghiệp; nắm vững kỹ thuật canh tác gần 100 ha lúa hai vụ; trồng 150 ha ngô lai năng suất cao; cải tạo xây dựng các vườn rau xanh; kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng dịch hàng nghìn bò, lợn, dê, hàng chục nghìn gia cầm các loại và kiến thức nuôi tôm quảng canh, sửa chữa ao nuôi cá các loại.

Ðược TTTTN giúp đỡ, đồng bào các dân tộc trồng và chăm sóc gần 1.000 ha rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ và rừng tự nhiên hơn 2.000 ha; giúp các xã trồng giống tre luồng, măng Bát Ðộ, cây điều cao sản. Các TTTTN đã tham gia quy hoạch xây dựng các vườn ươm, cung cấp gần 1,1 triệu cây giống các loại cho vùng dự án và nhân dân trên địa bàn.

46 đội viên TTTTN ngành xây dựng làm nòng cốt sửa chữa nâng cấp gần 30 km đường giao thông, giám sát xây dựng công trình giao thông nội vùng, huy động thanh niên địa phương sửa chữa hệ thống thủy lợi, nạo vét mương máng công cộng.

Cùng các đơn vị quân đội tham gia phát triển công nghiệp nông thôn, xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, tổ chức dạy nghề, nâng cao chất lượng và đổi mới hình thức sản phẩm nghề truyền thống của địa phương cho hàng trăm thanh niên và đồng bào các dân tộc.

Các TTTTN tham gia mở lớp dạy chữ xóa mù và chống tái mù chữ cho hàng trăm thanh niên, phụ nữ và đồng bào các dân tộc thiểu số, vận động 500 học sinh đến trường tiếp tục học tập. Thông qua các hoạt động sinh hoạt đoàn, đội, hội phụ nữ, giúp đồng bào các dân tộc, nhất là lực lượng trẻ thực hiện nếp sống mới, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín trong ma chay, cưới xin.

Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, các đội viên TTTTN có điều kiện hòa đồng với thanh niên địa phương, từ đó làm thay đổi cách nghĩ, cách làm và phát động được nhiều phong trào Ðoàn, giúp tổ chức Ðoàn, Ðội, hội phụ nữ từng bước hoạt động có hiệu quả, thu hút đông đảo các hội viên tự giác tham gia.

Cùng các cơ sở quân dân y kết hợp, cơ sở y tế địa phương, 51 đội viên TTTTN làm ngành y tế tổ chức khám bệnh, chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc và cán bộ, chiến sĩ quân đội. Các đội viên TTTTN hướng dẫn nhân dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tham gia chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, chống suy dinh dưỡng trẻ em, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống sốt rét, dùng muối i-ốt, phòng, chống tệ nạn ma túy và HIV/AIDS...

Triển khai chương trình công tác của Ðoàn, TTTTN tích cực xây dựng các câu lạc bộ như: tiền hôn nhân và gia đình trẻ, phổ biến khoa học-kỹ thuật; tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao vào những ngày kỷ niệm, những ngày lễ, tết, đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên và nhân dân vùng dự án. Bằng các hoạt động chăm sóc và giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng hấp dẫn, đạt hiệu quả, các TTTTN thực sự là hạt nhân của phong trào thu hút thanh niên tham gia hoạt động, củng cố tổ chức Ðoàn trong vùng dự án.

Các đội viên TTTTN tự giác rèn luyện nền nếp chính quy, kỷ luật quân đội, không ngại khó khăn, gian khổ, tích cực tham gia các phong trào xây dựng đảng bộ, xây dựng đơn vị, địa phương. Thông qua hoạt động thực hiện năm nhiệm vụ của Dự án 1136, đã có 176 TTTTN được giới thiệu học bồi dưỡng tìm hiểu về Ðảng, trong đó hàng chục người đã được kết nạp Ðảng. Một số nơi khi địa phương yêu cầu tham gia bộ máy Ðảng, chính quyền và đoàn thể, các đội viên đều sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ.

Sau gần hai năm thực hiện Dự án 1136, bước đầu có hơn 80% số TTTTN có nguyện vọng được ở lại đơn vị quân đội lâu dài hoặc lập nghiệp, xây dựng hạnh phúc gia đình ở các địa phương trong vùng dự án. Ðáp ứng nguyện vọng chính đáng đó, Bộ Quốc phòng sẽ tuyển dụng đến mức cao nhất những TTTTN tích cực rèn luyện trưởng thành, đáp ứng yêu cầu của các Ðoàn KTQP trong quá trình xây dựng và phát triển.

Ban quản lý Dự án 1136 các cấp tích cực phối hợp và kiến nghị cấp ủy, chính quyền, tổ chức Ðoàn ở các địa phương xem xét, ưu tiên sắp xếp việc làm, tạo điều kiện về chỗ ở, phương tiện sản xuất và các điều kiện để ổn định cuộc sống cho TTTTN; giới thiệu tạo điều kiện cho những người có nguyện vọng tiếp tục thi vào các trường đại học, cao đẳng để có thêm kiến thức lập thân, lập nghiệp và phục vụ đất nước.