35 bạn trẻ trong đội hình Tình nguyện trí thức trẻ Trường đại học Kinh tế quốc dân đã có mặt tại xã Tân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa để tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Đây là những tình nguyện viên nhiệt huyết, kỷ luật tốt, có hiểu biết về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, mô hình mới vào sản xuất nông-lâm nghiệp.
Ngay khi có mặt tại xã Tân Bình, các bạn trẻ đã tổ chức hội nghị “Tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật” với các hoạt động cụ thể: Chia sẻ kiến thức về hoạt động nông nghiệp trong thời đại 4.0 (sử dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp, hiểu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng các hoạt động truy xuất nguồn gốc,…), các hướng đi mới cho người nông dân, tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
“Trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, kỹ thuật, người dân cần phải biết thêm nhiều thông tin và kỹ năng sử dụng internet để phục vụ các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày. Những kiến thức này còn giúp người nông dân có thể tự bán hàng online, chụp ảnh, viết content… để nâng cao hiệu suất làm việc và gia tăng thu nhập”, Lê Tuấn, Đội trưởng đội hình Tình nguyện trí thức trẻ Trường đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ.
Tuấn cho biết thêm, trong thời gian ở xã Tân Bình (từ ngày 16 đến 30/7/2022) các thành viên trong đội xây dựng mô hình nuôi chim cút lấy trứng hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Trước đó, các bạn trẻ đã khảo sát về sinh học, thổ nhưỡng, thu nhập của người dân nơi đây và nhận thấy việc nuôi chim cút để lấy trứng là một sự lựa chọn phù hợp.
Nuôi chim cút không đòi hỏi phải có diện tích chăn nuôi lớn, chi phí đầu tư thấp nhưng đem lại lợi nhuận kinh tế cao từ việc bán trứng hoặc bán trứng lộn. Để bảo đảm mô hình thành công, các bạn trẻ hỗ trợ 250 con giống nuôi thí điểm tại bốn hộ gia đình trên địa bàn thôn Tân Lập (xã Tân Bình). Các bạn trẻ đặt kỳ vọng sau khoảng 40 ngày nuôi, chim sẽ phát triển tốt và bắt đầu sinh sản. Với 250 con giống, trung bình một ngày sẽ thu được 200 trứng, với giá bán 650 đồng/quả, trừ đi chi phí trung bình 1 ngày sẽ thu được 110.000 đồng.
Anh Vũ Trí Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, sau khi kết thúc các hoạt động tình nguyện tại xã Tân Bình, các thành viên trong đội sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân để từ đó giúp người dân Tân Bình an tâm phát triển mô hình kinh tế. Thời gian ở Tân Bình, mỗi thành viên trong đội không chỉ cố gắng hỗ trợ người dân mà còn học hỏi, sống có kỷ luật hơn. Đặc biệt, các bạn trẻ biết cách đưa những kiến thức kinh tế đã được học tại trường áp dụng vào thực tiễn để góp phần thúc đẩy nền kinh tế nông thôn.