Tri thức dân gian trong văn hóa biển ở Quảng Bình

Cùng với những lễ hội truyền thống, những câu hò điệu hát, tri thức dân gian nghề biển được trao truyền từ đời này sang đời khác có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng ngư dân, trong văn hóa biển ở Quảng Bình. Dù cho nghề biển dần được hiện đại hóa, văn hóa làng biển cũng có những biến thiên theo thời cuộc song tri thức dân gian vẫn được nhắc đến như là bài học, kinh nghiệm của mỗi ngư dân khi đánh bắt trên biển.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội đầu năm ở làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Lễ hội đầu năm ở làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).

Trong lần về xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch dự lễ hội cầu ngư đầu năm 2023, chúng tôi được những ngư dân lớn tuổi trò chuyện về kinh nghiệm đi biển.

Thì ra, với những ngư dân cự phách của làng biển có lịch sử hình thành phát triển gần 400 năm này kinh nghiệm đi biển đã được đúc kết thành những bài hò, văn vè đơn giản dễ nhớ nhưng cũng đầy tính khoa học và không kém phần hài hước - cũng là cách để khi đọc lên vơi đi những nhọc nhằn của nghề biển.

Theo một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Quảng Bình, chính môi trường biển là nền tảng hình thành những mô thức ứng xử văn hóa của ngư dân và tạo nên hồn cốt của vùng biển được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Ngư dân có hệ thống tri thức dân gian khá phong phú, điều đó phản ánh nét đặc trưng của đời sống ngư dân, ngư nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, đặc biệt là những tri thức về kinh nghiệm đánh bắt hải sản trên biển hoặc thời tiết để đi biển.

Cư dân vùng biển quan niệm: “Bãi ngang ngư nhàn nông nhọc, bãi dọc ngư nhọc nông nhàn”, có nghĩa là ở vùng bãi ngang người dân sống bằng nghề nông là chính, nghề biển là phụ; còn ở bãi dọc (vùng cửa lạch) người dân bám biển mưu sinh nên còn nghề nông chỉ là phụ, hầu như chỉ phụ nữ làm, còn nam giới thì ra khơi.

Đi biển là nghề quanh năm vất vả và nguy hiểm, rủi ro cao, nhất là trước đây phương tiện đánh bắt chủ yếu bằng thủ công, chưa có máy móc, ứng dụng kỹ thuật thì những tri thức dân gian về thời tiết và môi trường tự nhiên đóng vai trò quyết định cho những chuyến ra khơi vào lộng của ngư dân.

Trải qua nhiều ngày lênh đênh trên biển, họ tích lũy những kinh nghiệm về thời tiết mang tính quy luật để nhắc nhở nhau về những thời điểm biển bình yên hoặc giông gió để thực hiện chuyến biển hay buông câu, thu lưới. Việc nắm bắt quy luật lên xuống của thủy triều cũng giúp ngư dân theo dõi được những biến đổi của thiên nhiên, thời tiết từ đó có những kế hoạch hợp lý cho chuyến đi biển.

Thói quen nghề nghiệp đã cho ngư dân Quảng Bình có đôi mắt tinh tường, đôi tai thính nhạy để nhìn trời biển, trăng sao hoặc thủy triều, nhật triều: “Ra trong sao vào nhìn rú, đi ra Nam Tào, đi vào Bắc Đẩu”.

Ngư dân Cảnh Dương đúc rút kinh nghiệm đi biển thông qua cách nhìn mây như sau: “Mây lạch Roòn không dông thì bão” hoặc “Sấm Hòn La cả nhà dọn gác”, “Bao giờ mây quấn mũi Giao, thuyền câu, thuyền lái chèo vào cho mau” để tránh ngày thời tiết xấu, biển động mà nếu chủ quan hoặc chậm thu lưới, trở thuyền sẽ dẫn đến nguy hiểm.

Theo nhiều ngư dân cao tuổi ở làng Cảnh Dương, trước đây và cả hiện nay, đối với nghề khai thác hải sản kinh nghiệm trong quan sát khí hậu thời tiết và kỹ thuật tay nghề, hiểu biết luồng lạch là các yếu tố làm nên thắng lợi cho mọi chuyến biển. Biển không hẳn lúc nào cũng dông tố và hiểm nguy mà ở đó còn có sự bình yên và là nguồn sống to lớn với con người.

Do đó từ lâu ngư dân đã đúc rút nên những kinh nghiệm đi biển sao cho hiệu quả, sau chuyến biển tôm cá đầy khoang: “Đông bắc thì lắm cá thu, đông lu thì lắm cá bẹ” hay “Tháng tám hòn La, tháng ba hòn Lỗ” hoặc “Năm xuống, tám lên không quên chú mực”...

Ở nhiều địa phương ven biển Quảng Bình, ngư dân còn có “Vè nhật trình” gồm những bài thơ, bài vè mang âm hưởng văn học dân gian. Sự phổ biến của hình thức vè nhật trình cũng như nội dung phong phú của nó đã làm nên nét đặc trưng của văn hóa miền biển trong vai trò của một “bản hải đồ” dành cho những người thường xuyên lênh đênh trên biển.

“Vè nhật trình” là những câu văn nói mang đậm phương ngữ ghi lại những sự kiện, sự việc gắn với địa danh cụ thể trong hành trình đi biển của thế hệ trước thành kinh nghiệm để nhắc nhớ cho người sau.

Ngư dân Quảng Bình đi biển ngoài khơi xa đã nhìn thấy: “Hải Vân chất ngất ngàn trùng/Hòn Hành chỗ nớ là trong vụng Hàn” (tức đèo Hải Vân và sông Hàn ở Đà Nẵng).

Nhật trình đi biển đã hướng dẫn ngư dân tìm nơi an toàn để tránh trú khi biển nổi bão dông: “Đông bắc thì dựa bãi Chùa/Nồm nam dựa Chụt bốn mùa như ao”. Và, sau nhiều ngày đánh bắt trên biển, ngư dân dặn nhau rằng: “Sa Kỳ, An Vịnh ghé vào nghỉ ngơi/Chốn nghỉ ngơi nhiều nơi phong cảnh/Hòn Cù Lao thủng thẳng mọc dương”.

Hiện nay, dưới tác động của khoa học, công nghệ và sự phát triển của nghề khai thác thủy sản, các giá trị văn hóa vùng biển Quảng Bình có xu hướng biến đổi để phù hợp với xu thế mới nhưng có thể nói tri thức dân gian trong từng làng biển không mất đi mà luôn được gìn giữ và phát huy. Bởi đó là kho tri thức, kinh nghiệm quý về hành động và ứng xử giữa người với người, giữa người với nghề biển cũng như với biển cả ngay cả bây giờ.