Tri ân những nhà báo liệt sĩ

Những ngày tháng 7 thiêng liêng, hòa chung niềm tiếc thương và biết ơn vô hạn mà toàn dân tộc dành cho các liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người làm báo Việt Nam thành kính hướng về các nhà báo liệt sĩ với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu, khách tham quan dâng hoa tại khu tưởng niệm nhà báo liệt sĩ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Các đại biểu, khách tham quan dâng hoa tại khu tưởng niệm nhà báo liệt sĩ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Trong lịch sử gần 100 năm của nền Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2025), đã có lớp lớp nhà báo xông pha ra những chiến trường ác liệt để đưa thông tin và hình ảnh tới bạn đọc, thậm chí trực tiếp cầm súng và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hiện chưa có thống kê chính xác về số lượng nhà báo hy sinh trong chiến tranh. Những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang không ngừng tìm kiếm, xác minh danh tính, mộ phần các nhà báo liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước.

Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hà Nội) có một khu tưởng niệm đặc biệt trang trọng dành cho 512 liệt sĩ là nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí đã anh dũng hy sinh khi tác nghiệp, tuyên truyền tại các chiến trường và làm nhiệm vụ quốc tế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Danh sách ấy được Bảo tàng Báo chí Việt Nam sưu tầm, đối chiếu với tư liệu của các cơ quan báo chí và gia đình nhà báo liệt sĩ, tham khảo từ các ấn phẩm như “Nhà báo liệt sĩ” do Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản năm 2006, “Tri ân nhà báo liệt sĩ” của Tạp chí Người làm báo, “Dáng đứng dưới tầm bom” của nhà báo Văn Hiền và nhiều cuốn sách, kỷ yếu, các bản ghi chép khác...

Theo Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa, 512 liệt sĩ đều từng là những cây bút ưu tú, tinh thông nghiệp vụ, những cán bộ, nhân viên dũng cảm thuộc nhiều cơ quan báo chí của cả nước như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Cứu quốc, Báo Nhân Dân, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Giải phóng... Để có được những bài báo, cây bút, cuốn sổ hay chiếc máy ảnh, máy quay là kỷ vật để lại của các nhà báo liệt sĩ, cán bộ Bảo tàng mất rất nhiều công sức. 512 nhà báo liệt sĩ đã xác định danh tính cũng được thờ tự tại chùa Âu Lạc (chùa Da) ở thành phố Vinh, Nghệ An. Ngày 17/7 vừa qua, trong khuôn khổ chương trình “Thắp sáng ngọn lửa tri ân năm 2024” nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An đã tổ chức Lễ cầu siêu anh linh các nhà báo liệt sĩ tại đây.

Tại Hà Nội, Liên chi hội nhà báo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa cùng Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện chương trình giao lưu, tọa đàm tri ân các nhà báo liệt sĩ với chủ đề “Màu ký ức”. Hơn 100 đại biểu, diễn giả, các thế hệ nhà báo làm việc tại các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội kính cẩn nghiêng mình trước khu tưởng niệm với lòng biết ơn sâu sắc đến những cây bút dũng cảm, tài năng đã tận hiến cho sự nghiệp báo chí nói riêng và cả dân tộc nói chung.

Vượt đường sá xa xôi đến buổi giao lưu, nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, ở tuổi 76 vẫn nhớ nhiều chi tiết, phát biểu đầy tâm huyết và cảm xúc về hành trình hơn 15 năm đi tìm danh tính, phục dựng chân dung hàng trăm nhà báo liệt sĩ. Ông rưng rưng khi nhắc đến những người bạn đồng môn, đồng nghiệp là nhà báo liệt sĩ Vũ Hiến (quê Hải Phòng, làm Báo Quân chủng Hải quân) và Lang Văn Mẫu (quê Cao Bằng, làm Báo Hoàng Liên Sơn), đều hy sinh ở các chiến trường biên giới năm 1979.

Cả hội trường dường như lặng đi khi nghe ông kể: “Giai đoạn 1963-1975, có 66 nhà báo đi vào chiến trường, 19 người trong số đó hy sinh. Nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ (Báo Trường Sơn) trúng tuyển đại học, nhưng gác lại đường học hành, viết đơn bằng máu xung phong ra chiến trường rồi hy sinh ở lũng Ka Tốc (tỉnh Khăm Muộn, Lào). Nhà báo Nông Văn Tư (Điện ảnh Quân đội) chọn trận địa pháo phòng không là nơi tác nghiệp để ghi lại những thước phim ác liệt nhất. Tháng 12/1971, trận địa pháo bị ném bom, nhà báo ngã xuống khi vẫn ôm hộp phim, vai đeo bình ắc-quy dự phòng, toàn thân đầy máu còn ánh mắt hướng về phía ga Vinh...”.

Nhà báo Văn Hiền là người có công rất lớn trong việc lập hồ sơ 512 nhà báo liệt sĩ. Ông chính là tác giả bài thơ nổi tiếng “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” được nhiều độc giả yêu thích, thuộc lòng. Dù đã dành cả đời cho công việc này, nhà báo Văn Hiền vẫn luôn day dứt vì việc phần lớn nhà báo hy sinh chưa tìm được mộ, hoặc chưa đủ điều kiện để tìm và viết về họ. Ông tâm nguyện, nhà báo liệt sĩ và thân nhân của họ cần sự quan tâm và những chính sách đặc biệt, đồng thời đề xuất các cuộc thi viết về nhà báo liệt sĩ nhằm làm phong phú thêm kho tư liệu và lan tỏa rộng rãi hơn đến mọi người.

Nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi, với tư cách một nhà báo chiến sĩ (ông nguyên là Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân) và thân nhân liệt sĩ cũng chia sẻ nhiều câu chuyện đáng nhớ trong đường đời, chuyện nghề của mình. Ông nhắc đến nhà báo liệt sĩ Trần Kim Xuyến (nguyên Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, tiền thân của Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam); các nhà báo liệt sĩ Trần Đăng, Hoàng Lộc, Lê Đình Dư (Báo Quân đội nhân dân); nữ nhà văn, phóng viên chiến trường quả cảm Dương Thị Xuân Quý hy sinh năm 1969 tại Quảng Nam... Thế hệ sau sinh ra trong hòa bình có lẽ khó hình dung trọn vẹn những vất vả, hiểm nguy mà thế hệ cha anh đã đương đầu để có được một dòng tin, tấm ảnh, đoạn phim. Có người hy sinh khi trực tiếp chiến đấu với địch, cũng có người hy sinh vì sốt rét ác tính giữa rừng, vì trúng bom...

Đối với các thế hệ người làm báo Báo Nhân Dân, trong lịch sử vẻ vang và truyền thống đáng tự hào, có những cái tên không bao giờ bị lãng quên. Đó là nhà báo Thôi Hữu (tên thật là Nguyễn Đắc Giới), Ủy viên Ban Biên tập Báo Sự Thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) hy sinh tại chiến trường Việt Bắc năm 1950; nhà báo Nguyễn Ngọc Tứ hy sinh năm 1967 ở Quảng Ngãi; nhà báo Nguyễn Huy hy sinh năm 1968 ở Quảng Trị; nhà báo, nhà thơ Nguyễn Trọng Định hy sinh tại chiến trường Quảng Đà năm 1968...

Chia sẻ tại tọa đàm “Màu ký ức”, nhà báo Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa nhấn mạnh: Màu ký ức có sắc đỏ của máu xương cha anh đã cống hiến, hy sinh; có màu xanh hy vọng tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho thế hệ trẻ, trong đó có những người làm báo đương đại. Dịp này đại diện Bảo tàng Báo chí Việt Nam trân trọng tiếp nhận các hiện vật mới: 2 cuốn sách “Nguyễn Ái Quốc - Nhà báo không thẻ” và “Dáng đứng dưới tầm bom” do nhà báo Văn Hiền trao tặng; sổ ghi chép, một số tư liệu ảnh và sách “Thư chiến trường và những tấm hình có lửa” do gia đình nhà báo liệt sĩ Phan Tứ Kỷ (1947-1972) trao tặng... để tiếp tục lưu giữ, trưng bày, giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước ■