Thiếu tá Nguyễn Đặng Hoàng, trợ lý tuyên huấn, Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Thời điểm đó, tôi cũng như các đồng nghiệp khác không có công việc gì cụ thể cố định, cứ có lệnh gọi thì chúng tôi đi. Từ lập chốt chặn, đến hỗ trợ xét nghiệm, tiêm phòng, trực phòng bệnh, vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm đến từng hộ gia đình và xử lý thi hài, bàn giao tro cốt các nạn nhân tử vong… Nói chung, có việc gì thì xắn tay vào việc đấy. Tôi cảm thấy tự hào vì đã sát cánh cùng chính quyền địa phương, nhân dân vượt qua dịch bệnh. Hình ảnh quân-dân sát cánh cùng nhau mãi mãi in đậm trong tâm trí tôi. Lúc đấy tôi cảm thấy danh xưng Bộ đội Cụ Hồ vang vọng, thôi thúc và đầy tự hào.
Em Vên Trần Quang, sinh năm 1998 là người dân tộc Khmer, công tác tại Ban Chỉ huy quân sự phường Thới An, Quận 12, được phân công trong Tổ bảo quản và xử lý thi hài. Quang tâm sự: Những ngày tháng đó vẫn in sâu trong tâm trí em, như một bài học về tình người, về trách nhiệm và rất nhiều kinh nghiệm sống đã được đúc rút. Sau này, khi tổng kết lại, Đội của Quang đã xử lý, bảo quản hơn 600 thi hài, công việc mỗi ngày có khi từ sáng sớm đến 1, 2 giờ sáng ngày hôm sau mới kết thúc. Nghỉ mấy tiếng, các em lại tiếp tục công việc…
Đó là hai trong số 665 cá nhân vừa được Thành phố Hồ Chí Minh trao thư cảm ơn vì đã giúp thành phố vượt qua đại dịch Covid-19. Thiếu tướng Lê Xuân Thế, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Quán triệt phương châm “Chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình”, hơn 36.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố bằng tình cảm, niềm tin và trách nhiệm đã có mặt ở tất cả các điểm nóng về dịch bệnh. Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ đã nỗ lực tham gia thiết lập, phục vụ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tuần tra, chốt chặn, kiểm soát dịch bệnh; vận chuyển túi an sinh, lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu hỗ trợ nhân dân. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ vận chuyển bình oxy cho các bệnh viện, trạm y tế lưu động; luôn luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh, giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh, các bệnh viện gần như quá tải người bệnh và thi hài nạn nhân tử vong do Covid-19. Các trung tâm hỏa táng của thành phố hoạt động hết công suất vẫn quá tải. Bộ Tư lệnh thành phố đã tham mưu và được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố tin tưởng giao chủ trì phối hợp điều hành công tác tiếp nhận, xử lý thi hài, bàn giao tro cốt.
“Để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này, Bộ Tư lệnh thành phố đã xây dựng kế hoạch, phân công một thủ trưởng Bộ Tư lệnh thành phố chỉ huy, điều hành; chủ động khảo sát và thiết lập các nhà trữ lạnh bảo quản thi hài tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Nhà tang lễ thành phố, Bệnh viện dã chiến số 14; Nghĩa trang chính sách thành phố với khả năng tiếp nhận, bảo quản hơn 3.500 thi hài”, Thiếu tướng Thế cho biết. Khi dịch Covid-19 được khống chế, Bộ Tư lệnh thành phố đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố thực hiện nghi thức tưởng niệm và tổ chức các đoàn đi bàn giao tro cốt, tài sản, di vật của các nạn nhân tử vong do Covid-19.
Cũng trong đợt dịch bùng phát, số thai phụ nhiễm Covid-19 tăng nhanh, Bệnh viện Hùng Vương đã chủ động thành lập Khu điều trị các sản phụ nhiễm Covid-19 ngay tại bệnh viện. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, con của sản phụ nhiễm Covid-19 phải bị cách ly mẹ ngay sau sinh. Do đó, số trẻ có mẹ nhiễm Covid-19 phải cách ly với số lượng lớn, dẫn đến tình trạng quá tải tại Khoa Sơ sinh. Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã kiến nghị lãnh đạo Sở Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố cho phép thành lập Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm Covid-19.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân, Sở Y tế thành phố, cùng sự phối hợp tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Ủy ban nhân dân Quận 5, bằng nỗ lực và quyết tâm của Bệnh viện Hùng Vương, Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm Covid-19 được triển khai tại Trường mầm non Họa Mi 2, Phường 12, Quận 5. Do nguồn nhân lực chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu, Bệnh viện Hùng Vương phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố vận động các tình nguyện viên làm bảo mẫu. Chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng trăm tình nguyện viên đăng ký tham gia, đó là những cô giáo mầm non, nhân viên văn phòng, nữ tiếp viên hàng không, sinh viên...
Trong bốn tháng, đội ngũ cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên của Trung tâm đã vượt qua khó khăn, nỗi sợ hãi về bệnh dịch, ngày đêm chăm sóc chu đáo, an toàn cho 259 trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm Covid-19.
Chiều 26/8, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt tri ân các lực lượng tiếp nhận, bảo quản, xử lý thi hài, bàn giao tro cốt nạn nhân tử vong do Covid-19 và chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm Covid-19. Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 8/2021 đến nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
Những gian khổ, đau thương đã dịu dần, nhưng những tấm gương về ý chí, sức mạnh tinh thần, sống vì mọi người của đồng bào, chiến sĩ, tầng lớp nhân dân luôn sáng mãi. Do đó, ngay sau khi kiểm soát dịch bệnh, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã tổ chức rất nhiều hoạt động tri ân các cá nhân, tổ chức từng đồng hành và chia sẻ với thành phố để vượt qua khó khăn, thử thách trong những ngày tháng cam go, quyết liệt chống dịch bệnh Covid-19.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã gửi lời tri ân chân thành, sâu sắc nhất đến lực lượng tiếp nhận, bảo quản, xử lý thi hài, bàn giao tro cốt nạn nhân tử vong do Covid-19 và chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm Covid-19. Đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định: Việc tổ chức họp mặt tri ân để chúng ta hình dung lại thời khắc đã cùng nhau vượt qua khó khăn bằng ý chí, nghị lực, lòng yêu thương bằng cả trái tim, xuất phát từ chính trái tim nhân hậu, tấm lòng sống vì mọi người.