Tri ân các gia đình chính sách, người có công

Mong muốn xoa dịu nỗi đau, mất mát của những cá nhân, gia đình đã hiến dâng xương máu vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các cấp, các ngành ở Hà Nội luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác “đền ơn, đáp nghĩa” với nhiều hoạt động thiết thực.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm hỏi, tặng quà gia đình bà Doãn Thị Ngọc Trâm (mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm). Ảnh: DUY LINH
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm hỏi, tặng quà gia đình bà Doãn Thị Ngọc Trâm (mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm). Ảnh: DUY LINH

“Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã trở thành cuốn sách được biết bao người Việt Nam nâng niu, trân trọng bởi những dòng chữ thấm đẫm hình ảnh về cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng cũng tràn đầy tinh thần lạc quan, yêu đời và ý chí chiến đấu anh dũng, kiên cường của người con gái Việt Nam. Đến thăm gia đình bà Doãn Thị Ngọc Trâm, mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, đúng dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trân trọng cảm ơn những đóng góp, hy sinh của gia đình đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng chí khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô mãi mãi ghi nhớ công lao đóng góp, sự hy sinh lớn lao của những người đã quên mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
         
Những ngày này, trên khắp địa bàn Thủ đô, các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa được diễn ra rộng khắp. Tới thăm gia đình bệnh binh hạng 2/3 Đỗ Quốc Việt, thôn 1, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã ân cần thăm hỏi về cuộc sống, vui mừng khi thấy gia đình đã vượt qua khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế và đóng góp tích cực cho quê hương. Ông Đỗ Quốc Việt nhập ngũ năm 1972, tham gia chiến đấu tại các mặt trận: Khe Sanh, Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng. Hơn 17 năm trên chiến trường, ông xuất ngũ về địa phương, được giải quyết chế độ bệnh binh. Vượt lên khó khăn vì thương tật, ông vẫn nỗ lực lao động, phát triển kinh tế gia đình và luôn gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

Ngày 24-7, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đến thăm hỏi, tặng quà gia đình các liệt sĩ: Nguyễn Huy Thịnh, Dương Đức Hoàng Quân và Phạm Công Huy, đã hy sinh vào ngày 9-1-2020 trong khi thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Đồng chí Đào Đức Toàn trân trọng cảm ơn các gia đình và nhấn mạnh: “Các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong lúc thực thi nhiệm vụ, làm tròn trách nhiệm của người chiến sĩ Công an nhân dân, tất cả vì sự bình yên của cuộc sống. Sự hy sinh anh dũng của các anh mãi mãi được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, biết ơn”.

Tri ân những gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đến nay, tất cả 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã triển khai kế hoạch kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ; tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà, tri ân, chăm sóc người có công. Tổng phần quà được gửi đến người có công và thân nhân ở Hà Nội là hơn 345 nghìn suất với kinh phí gần 149,6 tỷ đồng. Dịp này, thành phố tổ chức thăm, tặng quà 45 trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, đơn vị sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của thương binh, bệnh binh; đồng thời thăm, tặng quà 72 cá nhân tiêu biểu.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, tri ân, chăm sóc người có công  luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Đến nay, thành phố vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được gần 22 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra; tặng hơn 3.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa với hơn 4,2 tỷ đồng, đạt gần 130% kế hoạch; tu sửa, nâng cấp 70 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 300 nhà ở cho người có công… Các đơn vị, địa phương đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 15 nghìn lượt người có công, kinh phí cấp thuốc là gần 2,4 tỷ đồng… Ngoài ra, thành phố phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tốt việc đón 300 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng về dự chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020”, diễn ra từ ngày 23 đến 25-7 vừa qua tại Hà Nội… Tối 26-7, Thành đoàn Hà Nội cũng đã tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Nhổn và tại tất cả nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, ngày 27-7, Hà Nội tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm, tri ân tại Nghĩa trang Mai Dịch, Nghĩa trang liệt sĩ Nhổn và Nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thành phố luôn coi công tác chăm lo cho các gia đình chính sách là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, là thực hiện đạo lý cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc. Công tác này góp phần giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nhất là đối với thế hệ trẻ; đồng thời tạo thêm nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ các hộ người có công còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Mong rằng, sẽ ngày càng có thêm các hoạt động, việc làm ý nghĩa, thiết thực được lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng, góp phần làm vơi đi đau thương của những người, những gia đình đã chịu nhiều mất mát trong chiến tranh.

Tri ân các gia đình chính sách, người có công ảnh 1

Cả nước đền ơn đáp nghĩa