Trên vùng đất cách mạng Tây Nguyên

Vùng đất Tây Nguyên hiện có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 30% số dân. Trong kháng chiến, dù cuộc sống còn bao khó khăn, vất vả, đồng bào Tây Nguyên một lòng theo Đảng, theo cách mạng, anh dũng, kiên cường, bất khuất đánh đuổi ngoại xâm. Từ khi đất nước hòa bình, thống nhất, với sự quan tâm đầu tư, chăm lo của Đảng, Nhà nước, vùng đất cách mạng Tây Nguyên đã thực sự đổi thay.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, con em đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (Đác Lắc) được học tập trong những ngôi trường khang trang, đầy đủ thiết bị. Trong ảnh: Giờ học của họ
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, con em đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (Đác Lắc) được học tập trong những ngôi trường khang trang, đầy đủ thiết bị. Trong ảnh: Giờ học của họ

Hiệu quả từ các chương trình, dự án

Xã căn cứ Cư Pui, huyện Krông Bông (Đác Lắc) những ngày này ngập tràn không khí chào đón ngày lễ lớn của đất nước. Sau hơn 42 năm giải phóng, cuộc sống của người dân nơi đây đã nhiều đổi thay. Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, nhất là Chương trình 135 đã thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo thuận lợi để người dân trong xã mở rộng sản xuất, chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo. Toàn xã có 2.344 hộ, hơn 12.680 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 89%. Đến nay, Cư Pui đã thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo giảm xuống còn 25,57%, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

“Gia đình mình làm được 5 ha ngô, cà-phê, sắn, lúa nước, nhờ chủ động nguồn nước tưới và được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cho nên năng suất đạt cao. Hằng năm, trừ chi phí, gia đình lãi hơn 200 triệu đồng” - ông Ama Hoa, ở buôn Khanh, được nhiều người gọi là “triệu phú ngô lai” cho biết.

Ghé thăm già làng Y Jăm Hlong, ở buôn Khanh nằm ngay dưới chân núi Chư Yang Sin hùng vĩ, nơi một thời bom đạn của giặc Mỹ đã không khuất phục được ý chí của đồng bào nơi đây. Ngồi dưới mái nhà dài truyền thống ấm áp, già Y Jăm Hlong bộc bạch: Trước đây, đời sống của người dân trong xã rất khó khăn, năm nào cũng thiếu đói giáp hạt vài tháng, phải nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Trẻ con đi học xa hàng chục cây số, trường lớp thì tạm bợ; người nhà đau ốm phải đưa ra tận trung tâm huyện mới có cơ sở y tế để khám, chữa bệnh... Nhưng nay khác rồi! Đồng bào mình không chỉ đủ ăn, đủ mặc, mà nhà nào cũng mua sắm được xe máy, vô tuyến... Trẻ con được học tập trong trường, lớp khang trang; đau ốm có bác sĩ ở trạm y tế xã chăm sóc, chữa trị”.

Từ nhà sàn của già làng Y Jăm Hlong phóng tầm mắt ra xa, vùng căn cứ cách mạng hôm nay đang vươn lên mạnh mẽ giữa núi rừng trùng điệp. Những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Điện lưới quốc gia vươn dài đến mọi nhà. Con chữ vốn một thời xa lạ thì nay, hầu hết con em đồng bào dân tộc đều biết đọc, biết viết, nhiều em còn học lên cao đẳng, đại học. Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Huỳnh Bài nói: Không chỉ xã Cư Pui, mà cả vùng căn cứ cách mạng gồm ba xã: Cư Đrăm, Cư Pui và Yang Tao đã “thay da đổi thịt”. Điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sinh hoạt, thủy lợi và các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng đồng bộ. Các buôn làng tổ chức định canh, định cư ổn định, gia đình nào cũng được sử dụng điện lưới quốc gia. Nông dân đủ đất sản xuất, được cán bộ khuyến nông về tận nơi hướng dẫn, nên năng suất cây trồng cao hơn nhiều. Vùng căn cứ cách mạng năm xưa nay đã trở thành vùng sản xuất lương thực trọng điểm của tỉnh Đác Lắc.

Đến huyện Buôn Đôn, địa phương có đông đồng bào DTTS và điều kiện đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nhất tỉnh Đác Lắc. Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Văn Xanh chia sẻ: Buôn Đôn là huyện biên giới của tỉnh, với số dân hơn 66 nghìn người, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 50%. Huyện có bảy xã, thì có đến năm xã vùng III. Thông qua nhiều chương trình, dự án đã huy động hàng trăm tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống hồ đập, thủy lợi... Chỉ riêng Chương trình 135 của Chính phủ, đồng bào dân tộc trong huyện được cấp đất sản xuất, thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng... Do vậy, không chỉ làm thay đổi bộ mặt các xã vùng khó khăn, mà còn giải quyết căn bản vấn đề bức thiết hằng ngày của đồng bào như: nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nâng cao sức khỏe.

Là tỉnh miền núi, đồng bào DTTS chiếm 33% số dân và chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, từ năm 2011 đến nay, thông qua các chương trình, dự án, bằng các nguồn vốn, Đác Lắc đã lồng ghép đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để tổ chức định canh, định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS. Riêng Chương trình 135, tỉnh đầu tư hơn 372 tỷ đồng xây dựng mới, sửa chữa và đưa vào sử dụng 650 công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ người dân. Tổ chức định canh, định cư ổn định cho gần 1.000 hộ dân; hỗ trợ 87.600 hộ nghèo mua cây, con giống, dụng cụ sản xuất... Ngoài thực hiện tốt các chính sách của T.Ư, tỉnh còn triển khai nhiều chương trình, chính sách của địa phương như: Chương trình 655 về phát triển kinh tế thôn, buôn; chương trình việc làm và dạy nghề; kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với các thôn, buôn đồng bào DTTS...

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đác Lắc, Y Ring Adrơng cho biết: Phần lớn các chương trình, dự án đầu tư trong vùng đồng bào DTTS thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu phát triển; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống của hầu hết đồng bào DTTS trong tỉnh được cải thiện rõ nét. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn có trạm y tế; phần lớn các thôn, buôn đồng bào DTTS có nhà văn hóa cộng đồng; thôn, buôn có điện lưới quốc gia, 97% số hộ được sử dụng điện; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 giảm xuống còn 19,37%.

Đưa Tây Nguyên phát triển nhanh, toàn diện

Nằm trên địa bàn Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có 68 trong số 222 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, cách đây chục năm, nói đến các xã này là phải đề cập đến đói, nghèo. Nhưng vùng sâu, vùng xa của Gia Lai giờ khác xưa nhiều lắm. Làng Ktu Dơng (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) là một làng định canh, định cư tập trung của 57 hộ dân tộc Ba Na chuyển đến từ làng cũ Kon Chrăh. Khi chuyển đến làng Ktu Dơng, mỗi gia đình được cấp 1.000 m2 đất ở và 2.500 m2 đất sản xuất; được hỗ trợ 16,5 triệu đồng để làm nhà ở và gần ba triệu đồng để mua giống cây trồng, công cụ sản xuất... Hiện, các trục đường chính trong làng Ktu Dơng đều được đổ bê-tông; hệ thống điện chiếu sáng được đầu tư. Trong làng còn có 11 giếng nước cộng đồng (nguồn nước được kéo từ trên núi), một nhà sinh hoạt cộng đồng, các phòng học mẫu giáo và tiểu học... Chị Mer, một người dân trong làng cho biết: “Ngày trước ở làng cũ, rẫy của gia đình mình ở xa, đường đi lại khó khăn cho nên làm ăn rất vất vả, cứ nghèo mãi. Chuyển sang làng mới, được Nhà nước cấp đất ở, đất sản xuất ở gần làng, có nguồn nước đầy đủ, mình vui lắm. Cuộc sống khá hơn trước nhiều!”. Từ 57 hộ dân ban đầu, đến nay làng Ktu Dơng đã có 92 hộ, hơn 400 nhân khẩu. Làng hiện còn 40 hộ nghèo, năm hộ cận nghèo.

Các chương trình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Đảng, Nhà nước đem lại ý nghĩa xã hội sâu sắc. Những năm qua, với mức tăng trưởng GDP bình quân hơn 11% năm, tỉnh Gia Lai còn triển khai nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, theo phương châm ưu tiên những nơi khó khăn, vùng căn cứ kháng chiến cũ và vùng biên giới, nơi có số đông đồng bào DTTS đang sinh sống; đồng thời phát động phong trào tham gia xóa đói, giảm nghèo rộng khắp trong toàn xã hội. Nhiều mô hình kết nghĩa giúp người dân các DTTS vượt qua đói nghèo, ổn định cuộc sống mang lại hiệu quả cao và được nhân rộng, như: ở huyện KBang, các lâm trường nhận đỡ đầu các xã nơi đơn vị đứng chân; bốn công ty cao-su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam, các đơn vị làm kinh tế thuộc Binh đoàn 15, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn nhận đỡ đầu, kết nghĩa các làng, xã khó khăn, nhận hàng nghìn lao động là người DTTS và con em của họ vào làm công nhân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, tỉnh kết hợp lồng ghép các chương trình xóa đói, giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình 135, định canh định cư, các chính sách về đất đai, hỗ trợ vốn cho người nghèo thông qua vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư; hỗ trợ mua nhà trả chậm theo chủ trương của Chính phủ và các chính sách xã hội khác... Chỉ riêng Chương trình 135, từ năm 2002 đến nay, nguồn kinh phí đầu tư cho 309 làng, thuộc 68 xã đặc biệt khó khăn qua ba giai đoạn lên đến hơn 1.500 tỷ đồng; trong số này, tỉnh ưu tiên cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật điện - đường - trường - trạm, với nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Những công trình phục vụ sản xuất và đời sống ngày càng được hình thành và "phủ kín" đến từng buôn, làng như: Xây mới 151 trường học, với 530 phòng học kiên cố và bán kiên cố; 31 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, với 10.000 m kênh mương; 757 công trình cấp nước sinh hoạt; 430 trạm biến áp hạ thế, 191,73 km đường dây điện...

Tỷ lệ đói nghèo của tỉnh Gia Lai giảm xuống còn 16,55%, thu nhập bình quân đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm; tất cả các xã, phường, thị trấn được sử dụng điện lưới quốc gia, có đường ô-tô đến trung tâm xã; sự nghiệp y tế, giáo dục có chuyển biến rõ rệt, toàn bộ các xã, phường có trạm y tế, trong đó 86,5% số xã có bác sĩ. Toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhớ lại dịp cuối năm 2016, đến làng Brang, xã Đak Pling (huyện Kông Chro), ngôi làng vừa được chính quyền địa phương dời về từ vùng sạt lở núi, chúng tôi được hòa cùng niềm vui của 60 hộ dân, khi ngày đầu tiên họ được thấy ánh đèn điện được thắp sáng nhờ nguồn điện lưới quốc gia. Đây là một trong số nhiều thôn, làng được kéo điện về phục vụ người dân kịp đón Tết, thuộc dự án cấp điện về các thôn, làng vùng sâu, vùng xa của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trước đó, mọi sinh hoạt đều chỉ dựa vào ánh sáng của bếp lửa, mong ước “làng mình sẽ có điện” luôn là câu cửa miệng, mỗi khi có ai hỏi đến.

Để Tây Nguyên phát triển nhanh và toàn diện, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách mang tính đột phá như Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị và các Chương trình 132, 134, 154, 167 của Chính phủ... về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, tạo ra nhiều thay đổi lớn. Đồng chí Điểu K’ré, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: Giai đoạn 2011- 2015, vốn đầu tư toàn xã hội của vùng Tây Nguyên đạt hơn 267 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho xây dựng kết cấu hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, khai thác tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế. Chỉ riêng lĩnh vực thủy lợi, những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng, tu bổ hàng trăm hồ chứa, đập dâng, kênh mương thủy lợi, đáp ứng 65% nhu cầu tưới của vùng. Nhờ đó, đến nay đồng bào Tây Nguyên đã mở rộng được hơn 582.149 ha cà-phê, với sản lượng mỗi năm đạt từ 1,3 triệu tấn cà-phê nhân trở lên; gần 72 nghìn héc-ta hồ tiêu, sản lượng mỗi năm đạt từ 121 nghìn tấn trở lên; cây cao-su, điều, ca-cao được các tỉnh trên địa bàn phát triển mạnh. Các tỉnh còn đầu tư xây dựng hơn 800 công trình cấp nước tập trung và nhiều công trình cấp nước phân tán; 100% số xã và 99,29% số thôn, buôn có điện... Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên còn quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhằm đưa Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững.