Ðiểm sáng xây dựng nông thôn mới
Những ngày này, đến bất kỳ địa bàn dân cư nào của huyện Ðan Phượng cũng thấy đường làng, ngõ xóm khang trang, trải bê-tông thẳng tắp. Vừa dắt cháu dạo chơi trên đường làng, ông Nguyễn Văn Tạo, ở xã Song Phượng vừa ngâm nga mấy câu thơ cổ. Ông cho biết, cách đây mấy năm, đường làng, ngõ xóm còn lầy lội, hầu hết chưa được đổ bê-tông, đường chỗ rộng chỗ hẹp, lại không được vệ sinh thường xuyên, cho nên đi lại khó khăn. Từ năm 2010, được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của thành phố, Ðảng ủy, UBND xã Song Phượng đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới, tập trung tuyên truyền, đầu tư nhân lực, vật lực để thực hiện các tiêu chí. Ðến nay, toàn xã đã xây mới được gần 6km đường liên thôn, liên xã; đang triển khai xây dựng bảy tuyến giao thông chính ở các thôn, 100% số đường xóm, ngõ trong xã đã được xây dựng xong.
Không chỉ có Song Phượng, 15 xã của huyện Ðan Phượng cũng đã hoàn thành đường giao thông xóm, ngõ với 1.819 tuyến đường, tổng chiều dài 129,3km với tổng mức đầu tư hơn 232 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Ðan Phượng Bùi Xuân Sách cho biết, sở dĩ làm được như vậy là do huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và chủ động, sáng tạo trong thực hiện. Năm 2011, huyện ban hành chính sách hỗ trợ 29% kinh phí xây dựng đường giao thông xóm, ngõ trên địa bàn. Năm 2012, huyện vận dụng sáng tạo Quyết định số 16/2012/QÐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, ứng trước 100% nguyên vật liệu chính để xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông xóm, ngõ. Vì thế, chỉ sau hai tháng thực hiện, toàn bộ đường giao thông xóm, ngõ trên địa bàn huyện được hoàn thành.
Sau khi hoàn thành hệ thống đường giao thông xóm, ngõ, năm 2013, Ðan Phượng đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng "Huyện nông thôn mới". Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện đã triển khai các giải pháp cụ thể, hữu hiệu. Ðến nay, huyện đã cơ bản xây dựng hoàn thành gần 20km đường trục thôn, hơn 20km rãnh thoát nước, tiết kiệm chi phí khoảng 24 tỷ đồng (30%) so với dự toán được duyệt và 113 tuyến đường giao thông nội đồng với tổng chiều dài 68km, tiết kiệm 50% kinh phí so với dự toán.
Bên cạnh cải tạo hệ thống giao thông, huyện tập trung đầu tư nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Toàn huyện đã có 16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; bệnh viện đa khoa được công nhận là bệnh viện hạng II. Các trường học trong toàn huyện được xây dựng khang trang, sạch đẹp, chất lượng dạy và học được nâng lên. Năm 2012, có 32 trường học được thành phố công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, huyện là đơn vị dẫn đầu trong các huyện ngoại thành về công tác môi trường, thu gom xử lý chế biến rác thải. Toàn huyện đã cải tạo 108 hồ, ao, xây dựng chín bãi trung chuyển rác thải, nhà máy xử lý, chế biến rác thải công suất 200 tấn/ngày tại xã Phương Ðình.
Ðồng chí Bùi Xuân Sách cho biết, huyện phấn đấu trong năm nay, có 12/15 xã được công nhận là xã nông thôn mới, đến năm 2015, hoàn thành mục tiêu "Huyện nông thôn mới" đầu tiên của Hà Nội.
Kinh tế phát triển toàn diện
Là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng Ðan Phượng luôn coi phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ chiến lược. Diện tích đất canh tác của Ðan Phượng không lớn, chỉ khoảng 7.700 ha, phát triển nông nghiệp theo hướng nào để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất không phải là điều đơn giản, vì nếu chỉ trông chờ vào cây lúa sẽ không thể bảo đảm đời sống cho người dân. Giải "bài toán" này, huyện chỉ đạo các ngành, các cấp hướng dẫn bà con chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây, hoa có giá trị kinh tế cao. Từ năm 2005 đến 2011, huyện đầu tư 8.103,8 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; đã chuyển đổi được 484 ha trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng hoa, cây ăn quả. Ðiển hình là mô hình trồng hoa ly ở xã Hạ Mỗ cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm, hay mô hình chuyển đổi hàng trăm ha đất lúa sang trồng bưởi Diễn tại chín xã, trong đó riêng xã Thượng Mỗ có hơn 100ha bưởi, mỗi ha cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm, có gia đình thu nhập gần 300 triệu đồng... Với lợi thế gần nội thành, giao thông thuận lợi, Ðan Phượng đẩy mạnh triển khai vùng sản xuất nông nghiệp lớn, chất lượng cao, trở thành một vành đai thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân nội thành. Trên địa bàn huyện bắt đầu hình thành những vùng sản xuất tập trung như vùng lúa, rau chất lượng cao ở Song Phượng, Phương Ðình... giá trị thu nhập đạt khoảng 100 triệu đồng/ha. Hiện, toàn huyện có 67 trang trại, 243 vườn trại, góp phần đưa giá trị canh tác đạt trung bình 210 triệu đồng/ha.
Là vùng đất trăm nghề, cho nên bên cạnh chú trọng phát triển nông nghiệp, huyện chủ động thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Huyện đã hoàn thành xây dựng cụm công nghiệp thị trấn Phùng và bốn điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - làng nghề có tổng diện tích 77,8 ha, thu hút 54 doanh nghiệp và 456 hộ vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho 5.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương tăng bình quân 22,47%/năm. Nhờ đó, 5 năm qua, kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá, 14,7%/năm, thu nhập bình quân một ha canh tác năm 2012 đạt 204 triệu đồng, gấp bốn lần so năm 2007, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng, gấp 2,7 lần so năm 2007.
Diện mạo nông thôn mới đang hình thành khởi sắc trên quê hương của phong trào "Phụ nữ Ba đảm đang".