KỶ NIỆM 71 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9

Trên quê hương cách mạng Tân Trào

Mảnh đất Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) đã đi vào lịch sử cách mạng nước ta, là nơi tổ chức Quốc dân Đại hội thành lập nên Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, lãnh đạo toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Tự hào với truyền thống cách mạng, người dân Tân Trào đang chung sức, đồng lòng, khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng quê hương giàu đẹp.

Người dân thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) thu hoạch chè. Ảnh: HỒ KHÁNH CHÂU
Người dân thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) thu hoạch chè. Ảnh: HỒ KHÁNH CHÂU

Xây dựng làng văn hóa - du lịch

Làng Tân Lập thuộc xã Tân Trào xưa có tên là Kim Long. Sau Cách mạng Tháng Tám, thể theo nguyện vọng của nhân dân, được đổi tên thành Tân Lập, nghĩa là nền độc lập mới. Nơi đây, có những địa danh đã đi vào lịch sử, như: Đình Tân Trào - nơi diễn ra Quốc dân Đại hội thành lập nên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh; cây đa Tân Trào, nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 và làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Hà Nội; lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa. Ngày nay, Tân Lập là thôn điển hình về phát triển dịch vụ du lịch ở Tân Trào. Thôn có 186 hộ dân, trong đó hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc quy hoạch thôn đã được thực hiện khi tiến hành xây dựng nông thôn mới. Trước đây, kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, cho nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng từ khi kết hợp làm dịch vụ du lịch, đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng/năm.

Gia đình anh Hoàng Văn Nhiên ở thôn Tân Lập là một trong những hộ gia đình đi đầu trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Anh Nhiên cho biết, những món ăn đặc sản của quê hương, nhiều mặt hàng thổ cẩm được làm từ những đôi bàn tay khéo léo của người dân địa phương đã được khách du lịch tìm mua về làm quà.

Phát triển nghề truyền thống

Xác định cây chè là cây kinh tế mũi nhọn nhằm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, trong những năm qua, chính quyền xã Tân Trào đã tuyên truyền vận động người dân thay đổi tư duy theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thành lập hợp tác xã, làng nghề để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thôn Vĩnh Tân được công nhận là thôn có làng nghề sản xuất và chế biến chè đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, với 100 ha chè. Trưởng thôn Vĩnh Tân Phạm Ngọc Thảnh cho biết: Trước đây, khi cây chè chưa có thương hiệu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, giá chè thấp, cuộc sống của người dân trong thôn còn nhiều khó khăn. Năm 2013, khi hợp tác xã sản xuất chè Vĩnh Tân được thành lập đã quy tụ các hộ gia đình sản xuất chè theo tiêu chuẩn an toàn, tạo được uy tín cho thương hiệu. Đáng chú ý, khi chè Vĩnh Tân đạt Cúp đồng cuộc thi “Búp chè vàng” tại Festival trà Thái Nguyên lần thứ hai, thu nhập của người dân được nâng cao rõ rệt. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình trong thôn đã thoát nghèo, không còn nhà tạm, nhà dột nát. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của thôn dưới 18 triệu đồng nhưng hiện nay tăng lên 35 đến 40 triệu đồng.

Là một trong những gia đình thoát nghèo nhờ cây chè, anh Phạm Văn Dẫn, thôn Vĩnh Tân chia sẻ: Gia đình có hơn một ha chè, trước đây do chăm sóc không đúng kỹ thuật cho nên năng suất, chất lượng không cao, giá chè cũng thấp (từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg), cuộc sống gia đình rất khó khăn. Từ khi thôn thành lập hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Vĩnh Tân, gia đình anh cũng như nhiều gia đình khác đã chú ý hơn đến việc nâng cao chất lượng cây chè. Hiện gia đình anh có thu nhập mỗi năm khoảng 300 đến 400 triệu đồng từ cây chè.

Năm 2014, Tân Trào là xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, các tuyến đường liên xã, trục chính của xã đều được nhựa hóa, đường nội thôn, liên thôn và 50% số đường nội đồng được bê-tông hóa... Đời sống kinh tế của người dân Tân Trào đã có bước phát triển mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16,8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,2%, hơn 95% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới, tất cả các trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia.

Chủ tịch UBND xã Tân Trào Hoàng Cao Khải cho biết: Để duy trì những kết quả đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, Tân Trào đang tập trung vào các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, trọng tâm là phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ du lịch, cùng với quy hoạch tổng thể vùng nguyên liệu chè, đầu tư cải tạo vườn chè, phát triển thương hiệu làng nghề gắn với du lịch sinh thái.