Trên những nẻo đường nước Pháp

Từ dạo có Covid, hầu như tuần nào trên những trang mạng của cộng đồng người Việt tại Pháp cũng hiện ra những dòng tìm kiếm việc làm. Kiếm việc làm điện, làm móng tay, làm phụ hồ, làm dọn dẹp, làm phụ bếp, làm giúp việc nhà, trông người già... làm gì cũng được, miễn có tiền để sống qua mùa khó khăn. Thường là của các bạn người Việt mới sang từ Đông Âu, sống không giấy tờ, là người miền trung hoặc vùng chiêm trũng.

Hàng rau tự phát trên vỉa hè của người châu Á nhập cư lậu tại Paris.
Hàng rau tự phát trên vỉa hè của người châu Á nhập cư lậu tại Paris.

Cũng có những quảng cáo khác, được gửi vào điện thoại qua mạng Zalo, kèm ảnh những bạn gái khá xinh và lời nhắn “nếu buồn thì gọi em, giá một giờ vui vẻ là 100 euro, em có nhà". Dòng người từ Việt Nam qua châu Âu vẫn chưa dứt, có vẻ như con số 39 người chết trong xe đông lạnh chỉ đủ để người ta chuyển hướng. Không sang Anh thì ở lại Đông Âu, hoặc từ Đông Âu qua Pháp. Từ đầu năm, cảnh sát Pháp đã bắt mấy chục người Việt nằm trong đường dây đưa người trái phép vào Pháp, điều này cũng chỉ khiến cộng đồng "người rơm mới" cẩn thận khéo léo hơn, thậm chí thương nhau và đùm bọc hơn, chứ không làm sợ.

Tôi có dịp tiếp cận nhiều bạn thế hệ "người rơm mới" này. Gọi là "người rơm mới" vì nó khác với nhóm những bạn sang châu Âu và quyết tìm cách sang Anh bằng được, họ là những người tìm cách sang Pháp và trụ lại.

Đi theo đường du học có, đi theo diện du lịch và ở lại bất hợp pháp có, đi theo diện hợp tác lao động từ Rumani, Ukraina rồi tuồn đường rừng, thuê người chở đường bộ cũng có. Có nhiều hoàn cảnh khác nhau để quyết định đến Pháp nhưng mục đích hầu như chỉ có một: kiếm tiền, tìm đời sống dễ dàng hơn.

Thế nào là dễ dàng? Nghĩa là có lương cao hơn ở nhà một chút, ăn uống chi tiêu xong mỗi năm có thể gửi về nhà một, hai trăm triệu, và có lẽ điều này cũng khá quyến rũ: được sống ở xứ sở văn minh tự do.

Thế nào là văn minh? Nghĩa là sáng leo lên tàu điện đi làm, cả ngày lao động cực nhọc tối về nhà ăn uống rồi ngủ. Mọi hình thức giải trí tinh thần của Pháp đều không tham gia, mạng ZALO vẫn giữ để liên lạc với ở nhà, đọc báo Việt Nam không đọc báo Pháp. Thỉnh thoảng tụ tập bạn bè làm nem, nấu phở, trải bàn ăn lẩu.

Thế nào là tự do? Mục này khá phức tạp để lý giải. Muốn nói gì thì nói, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, muốn chơi với ai thì chơi, muốn sống theo cách nào thì sống. Nhưng nói gì khi tiếng đa số không thành thạo? Đi đâu khi mục tiêu chủ yếu là kiếm tiền và hộ chiếu không còn để có thể đi ra ngoài nước Pháp, làm gì khi tiền kiếm được chủ yếu là tiền đen - trốn thuế, mua nhà, mua xe thì không thể được, sống thế nào khi nhà ở đa số là nhà đi thuê, gom nhau vào chật chội sao cũng được miễn có tiền để gửi về gia đình, sống thế nào thì sống - đúng vậy, bởi hầu hết đều đang sống bên lề xã hội Pháp.

9_1-1606635324339.jpg

Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh phỏng vấn một người trốn từ Việt Nam sang Anh trồng cần sa, bị bắt đi tù rồi ra trại lại trốn sang Pháp. Giờ đi làm vườn và thợ sửa chữa nhà”... 

Kể ra thế không có nghĩa là bỉ bôi nếp sống của cộng đồng "người rơm mới", chỉ thấy một thực tế không mới rằng, cuộc sống không hề dễ dàng, chỉ là hình thức lao động khác đi, số tiền kiếm tiền (có thể) nhiều hơn còn hy vọng thì vẫn thế.

Tôi đã hỏi A, người đã nhiều năm làm việc trong nhà máy điện tại Việt Nam trước khi sang Pháp, em sang đây không sợ vất vả à? A im mãi mới nói "đi làm ở nhà mà lương thiện thì chẳng đủ tiền nuôi vợ con, không lương thiện thì em không biết làm. Thôi cứ thế này rồi tính tiếp chị ạ".

Thế này là gì? Là dậy sớm từ ba giờ đi chợ đầu mối mua thực phẩm cho các gia đình Việt Nam đặt hàng, về đi giao khắp tỉnh Paris đến đầu giờ chiều. Ăn, ngủ, và đi chợ.

Là đi làm công nhân sửa chữa nhà cửa lậu. Là đi làm móng tay. Là đi phụ bếp. Khá hơn, biết tiếng một chút thì đi đón con các gia đình, làm baby-sitting. Nhanh một chút thì nấu bún, bánh mì phở, nhập bánh kẹo, nước mắm, cơm cháy, lạp xường... đồ ăn Việt Nam, rồi bán lại cho cộng đồng Việt kiếm lời. Mà vẫn là bán qua Facebook, trốn thuế. Liệt kê ra, tất cả chỉ là thế. Nghĩa là không có gì cao hơn lao động phổ thông.

Xấu không? Âu cũng là giải pháp để có tiền. Vui không? Khó có thể nói là vui. Nhiều hy vọng không? Tôi không nghĩ là họ có nhiều hy vọng. Mọi niềm vui, hy vọng, ước mong đều là có tiền gửi về cho gia đình.

Tôi cứ hình dung nếu cũng nếp sống ấy mà ở Việt Nam nhưng có nhiều tiền hơn một chút thì thế hệ "người rơm mới" này có đi không? Tôi hỏi và hầu như câu trả lời đều là chẳng đi làm gì nếu có được công việc lương đủ sống, mà sống lương thiện.

A chỉ là một thí dụ về người có học hành mà ra đi, còn nhiều những bạn trẻ nữa, hầu hết đến từ tỉnh nhỏ và các vùng nông thôn, học hành dở dang chỉ hết cấp hai hoặc ba, đằng nào ở nhà cũng là lao động tay chân, sang đây cũng là lao động tay chân, tính toán đi tính toán lại, khổ mà có chút tiền hơn thì cũng đành, thế là đi. Tôi nói chuyện với nhiều bạn, gặp gỡ nhiều người, họ có một điểm rất chung là đều mong muốn gửi tiền về cho gia đình, đi vài năm kiếm ăn rồi về. Đôi khi tôi cứ tự hỏi có con đường nào khác không cho những con người này? Có một cơ hội nào khác tốt hơn là lao động tay chân, tại quê hương hay xa quê ngàn dặm?

Chắc ít ai biết Phó Giám đốc của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam đã từng bỏ học cấp ba, đi làm phu khuân vác ở cảng rồi lại quay lại trường đại học để học chuyên ngành sử, làm tiến sĩ và trở thành một nhà nghiên cứu có uy tín. Tại Pháp, Giám đốc của Công ty viễn thông Free, ông Xavier Niel đã mở trường đại học riêng của công ty - Trường 42, hiện đã có nhiều chi nhánh tại Pháp và gần 20 nước trên thế giới. Trường 42 của ông để dành cho những bạn trẻ từ 18 đến 30 tuổi, bỏ học, không có bằng cấp ba, không có tiền đi học, đều được thu nhận và dạy hoàn toàn miễn phí. Trường 42 là cơ hội cho những ai muốn sửa chữa và kiến tạo nên tương lai của mình trong ngành công nghệ thông tin, nhưng ông Niel thì lại cho rằng "chính họ làm nên tương lai của ngành công nghệ".

Nông thôn Việt Nam ngày hôm nay có biết bao nhiêu trẻ em đã rời ghế nhà trường rất sớm vì nhiều lý do, một số không nhỏ là bởi gia đình cần thêm người lao động. Như vậy là cuộc đời của nhiều con người hoàn toàn không còn cơ hội được chọn lựa một số phận khác ngoài bán lưng cho trời bán mặt cho đất, không thể chọn lựa gì ngoài những ngành nghề lao động được gọi là ráo mồ hôi thì hết tiền. Yêu con người, cho họ cơ hội để sửa sai và kiến tạo cuộc đời, tôi nghĩ một hệ thống giáo dục nhân văn cần hướng đến điều này hơn là chăm chăm cải cách với mục đích dạy công dân biết đọc nhanh và viết đẹp. Khi khoảng cách xã hội quá lớn, cơ hội vào đời quá khác nhau, thì khó có được một mặt bằng chung dân trí văn minh, xã hội ổn định. Phong tỏa ở Pháp dự kiến sẽ còn kéo dài đến hết năm, nghĩa là trên những trang mạng xã hội của cộng đồng người Việt tại Pháp, sẽ vẫn còn nhiều những dòng cầu cứu.

Trên những nẻo đường nước Pháp -0
Trên các trang cộng đồng của người Việt tại Pháp luôn có những tin nhắn tìm việc làm.