Phương châm “bốn tại chỗ”
Chín tháng đầu năm nay, toàn thành phố xảy ra hơn 220 vụ cháy, trong đó khoảng ¼ số vụ do người dân tự dập. Thực tế này cho thấy, quần chúng nhân dân là một trong những lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quyết định trong công tác PCCC tại địa bàn dân cư. Đây chính là lực lượng phát hiện, tiếp cận hiện trường đầu tiên khi xảy ra cháy và tổ chức cứu chữa giai đoạn đầu, ngăn ngừa cháy lan, cháy lớn và giảm thiểu thiệt hại. Mới đây, ngày 1-10-2014, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân nhận được tin báo cháy tại Công ty TNHH SX-TM-DV Thịnh Khang (lô 14-16 đường số 3, Khu công nghiệp Tân Tạo), khi lực lượng đến hiện trường thì đám cháy đã được người dân dập tắt.
Từ phong trào toàn dân tham gia PCCC đã xuất hiện nhiều gương cá nhân dũng cảm, không ngại thương tật trong việc PCCC, bảo vệ tính mạng và tài sản của cộng đồng. Điển hình, như ông Nguyễn Ngọc Tốt, người đã bị thương khi tham gia cứu nạn trong vụ cháy ở quận 3; anh Lý Nhơn Thành, bảo vệ dân phố ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 đã chế tạo máy chữa cháy cầm tay rất tiện dụng trong những con hẻm nhỏ mà xe chữa cháy chuyên dụng không thể vào được. . .
Theo Sở Cảnh sát PCCC thành phố, tính từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, Sở đã xây dựng được khoảng 25 nghìn đội cơ sở và dân phòng làm nòng cốt trong phong trào PCCC ở cơ sở. Hằng năm, lực lượng này phát hiện và dập tắt khoảng 50% tổng số vụ cháy xảy ra trong giai đoạn đầu, ngăn chặn cháy lớn, góp phần bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân.
Từ thực tiễn phong trào ở nhiều đơn vị, địa phương, đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, như: Mô hình “Tôn hóa, tường hóa” của khu phố 3, phường 9, quận 3; mô hình “Khu phố, phường không để xảy ra cháy lớn” ở quận 1… rồi việc trang bị xe mô-tô chữa cháy và vận động thanh niên tham gia vào lực lượng dân phòng, cải tạo hệ thống điện chiếu sáng và sinh hoạt ở phường 12, quận Bình Thạnh…
Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh Lê Tấn Bửu đánh giá: Nếu không có lực lượng PCCC tại chỗ là những người dân, thì lực lượng PCCC chuyên nghiệp không thể thực hiện tốt công tác chữa cháy, cứu nạn thành công. Sắp tới, Sở sẽ nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia PCCC.
Tạo sự chuyển biến ngày càng mạnh mẽ
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc chuyển hóa các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, nhiều năm qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp mở rộng hẻm, cải tạo hệ thống điện, cung cấp nguồn nước, thay thế các vật liệu dễ cháy bằng những vật liệu không cháy… Nhờ vậy, từ 926 khu dân cư có nguy cơ cháy cao năm 2003, đến nay chỉ còn lại bốn khu.
Theo Sở Cảnh sát PCCC thành phố, việc đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ về mặt xã hội mà còn góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng và phát triển của thành phố. An toàn luôn là yếu tố hàng đầu mà các doanh nghiệp xem xét khi quyết định đầu tư dự án. Vì vậy, phong trào toàn dân tham gia PCCC cần tiếp tục được phát huy để mỗi người dân thật sự là mỗi chiến sĩ chống “giặc lửa” và cả cộng đồng tự giác thực hiện tốt các quy định của pháp luật về PCCC.
Để thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, cần quyết liệt khắc phục những mặt còn bất cập. Đó là: Một bộ phận cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân chưa thật sự tự giác trong việc thực hiện các quy định an toàn PCCC, còn ỷ lại lực lượng Cảnh sát PCCC; số vụ cháy do sơ suất, bất cẩn trong việc sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí đốt vẫn còn xảy ra…
Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC giúp người dân thấy rõ nguy cơ, tác hại do cháy, nổ, từ đó nâng cao ý thức PCCC. Xác định rõ trách nhiệm PCCC của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình và cá nhân, nhằm tạo sự tự giác trong việc PCCC của từng cơ sở, từng gia đình. Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra nghiệp vụ PCCC đối với lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng, củng cố lực lượng PCCC cơ sở đủ mạnh để dập tắt đám cháy ngay giai đoạn đầu. Tổ chức các buổi phổ biến, trao đổi tình hình công tác PCCC vào các buổi sinh hoạt tại các phường, xã, nhà máy, xí nghiệp. . . ; ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC; phát động các phong trào tự quản về bảo đảm an toàn PCCC ở khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…