Trên đất Tiên Lãng

Qua những bãi cỏ xanh mượt, con thuyền gỗ rẽ nước đổ chúng tôi lên mặt chiếc cống xi-măng. Bên thành cống lỗ chỗ vết đạn liên thanh, còn rõ dòng khẩu hiệu: "Quân dân Tiên Lãng quyết phá tan cuộc càn bình định của giặc!".

Ðồng chí du kích chèo thuyền nói một cách tự hào:

- Năm nào Tiên Lãng cũng có ít nhất một trận chống càn lớn. Mà lần nào địch đổ bộ càn quét, nó cũng phải nếm đòn đầu tiên ở chỗ cống đây.

Ðặt chân lên Tiên Lãng (Kiến An), mảnh đất nhỏ bé nhưng gan góc của vùng tả ngạn sông Hồng này, ai mà không thấy sục sôi những cảm xúc chiến đấu khỏe mạnh nhất trong người. Cống nước, bãi bơn, đầm cá, bờ đê, thửa ruộng thuốc lào, mỗi cảnh vật, mỗi bước đi là một chuyện anh dũng. Mỗi con người là một cuộc sống đầy thử thách. Ðứng ở bất cứ một xã nào đều có thể thấy núi Phủ Liễn bên kia sông Văn Úc, trên đỉnh có lô-cốt địch.

Tối tối đèn pha địch ở Ðồ Sơn, Kiến An lia ánh sáng đục mờ về soi mói. Nằm kẹp giữa ba mặt sông và một mặt biển, huyện Tiên Lãng như một hòn đảo ở rất sâu trong vùng sau lưng địch. Ngày ngày giữa tiếng súng bắn ran của các bốt Trung Lãng, Ðông Xuyên Ngoại lẫn tiếng đại bác của địch ở Ðò Sáu câu về bừa bãi là tiếng rầm rì của ca-nô, tàu chiến địch chạy tuần tiễu trên các sông Thái Bình, Văn Úc. Trong hoàn cảnh bị uy hiếp gay go tưởng chừng đến nghẹt thở ấy, Tiên Lãng vẫn giữ vững cuộc chiến đấu bền bỉ từ mấy năm nay.

Xã chúng tôi về ở là một trong những xã của Tiên Lãng chống càn bình định khá ác liệt. Hẹp không quá hai cây số, hai đầu xã gối lên bờ hai con sông lớn, kề sát hai vị trí giặc... Ðầm rộng hai bên xã là nơi sẵn cá nhất huyện nhưng cũng là nơi xe cóc địch từ phía sông hay ập vào diễn thế bao vây. Cho nên lúc sương sớm vừa tan, đẩy thuyền đi quăng lưới hoặc buổi chiều nước xuống kéo ra bơn mò tôm bắt cá, đồng bào đều phải cử người canh gác báo động.

Xe cóc địch vừa rút đi hôm trước còn để lại nhiều vệt xích nghiến nham nhở, nhằng nhịt trên ruộng lúa và ruộng thuốc lào quanh khu chợ Vượn. Mà ruộng của Tiên Lãng trong điều kiện hiếm trâu và hiếm phân bón chỉ còn nhờ công sức lao động cuốc đi cuốc lại năm, sáu lượt, cốt lấy chất đất nỏ thơm, làm màu mỡ nuôi cho cây lúa lớn. Bọn giặc khốn nạn muốn triệt phá nguồn sống của đồng bào Tiên Lãng, của những người trồng thuốc lào cần cù, nhẫn nại lăn hòn cơm nếp trên từng tàu lá thuốc để bắt từng con sâu xanh.

Làng xóm hầu hết đã mất băng lũy tre, cột nhà. Cây cối bị thui đen há hốc mồm nhìn trời. Hôm ấy địch mới càn được ít ngày. Du kích, bộ đội chặn đánh địch ở con đường gạch từ chợ Chùa vào làng Tiên. Giằng co mấy trận, đạn cày gạch lên từng lỗ lớn. Sau, địch đổ quân vào được làng.

Thấy một số đồng bào ta chưa tản cư kịp chúng bắt về bốt Mỹ Lộc. Ðồng bào không nghe. Chúng lên cò súng dọa: "Ông bắn chết hết chúng mày bây giờ. Phải về lập tề". Các bà, các chị vẫn ôm chặt lấy nhau không chịu đi, ngồi lỳ ở cổng làng. Bọn giặc cầm roi, gậy bắt đầu vụt túi bụi, vụt từ bà cụ Ðãi vụt đi. Trẻ con sợ hãi khóc thét lên từng cơn. Cháu bà Hữu chạy ra giơ tay thằng lính ngụy. Nó quăng em xuống vũng nước.

Rồi bọn giặc gọi máy bay đến. Lúc đó chỉ còn nghe thấy tiếng từng chùm bom tạ nổ rung đất liên tiếp, mù mịt. Mấy bà liền chạy về làng cố vớt vát bát gạo, hột muối, vừa quay ra đã thấy bọn giặc vây kín làng đang hò nhau đốt những ngôi nhà bom chưa quật đổ. Một thằng lính Pháp chỉ vào dãy tường đất mà đồng bào khoét lỗ để thông hơi, bảo bọn ngụy binh:

- Chúng mày xem kiểu nhà lạ không này! Toàn là lỗ châu mai!

Thế là chúng xô vào đạp các chân tường còn lại, giật mìn nốt những thềm đá, bể gạch trong làng. Cứ như thế, giặc bừa hết thôn này đến thôn khác. Cảnh tàn phá tơi bời gợi thấm thía nhiều đến những bức ảnh tả làng mạc Triều Tiên dưới bom đạn Mỹ. Có đồng bào tính đốt ngón tay: làng bị địch san trụi lần này là lần thứ tám rồi.

Ở xóm Mẹm, một xóm vẻn vẹn 18 nóc nhà, trong chống càn mỗi gia đình đã chịu đựng trung bình hai quả bom tạ của địch. Giữa đống gạch đất ngổn ngang của xóm Mẹm, đồng bào già trẻ lớn bé sống trong những túp lều con chật chội làm tạm trên miệng hố bom sâu. Bếp ăn đặt giữa trời. Ngày mưa, dựng chiếc nia thủng lên làm mái.

Ðời sống hằng ngày bị đảo lộn, của cải bị mất hết. Nhưng ở mỗi con người còn lại một tình yêu gắn bó với quê hương, đồng ruộng, một lòng kính mến Hồ Chủ tịch không bờ bến. Cho nên cuộc sống sản xuất, chiến đấu trong xã lại tiếp tục và được tôi thêm một sức căm thù giặc bỏng cháy. Ðồng bào thôn Tiên Lãng ngày ngày xúc đất lấp dần những hố bom địch, lấp đến đâu cắm ngọn rau xanh đến đấy.

Một buổi tối, tôi đến dự cuộc họp của tổ phụ nữ nông dân thôn Sa Vĩ thảo luận bản báo cáo tình hình nhiệm vụ thu đông của đảng bộ Ðảng Lao động địa phương. Cả làng không còn lấy một căn nhà hai gian. Hơn bốn chục mẹ và chị phải ngồi họp ngoài sân. Người trùm chăn, người trùm chiếu để che sương lạnh. Ðại bác địch chốc chốc bắn về. Tất cả nằm rạp trên sân, đợi im tiếng súng lại ngồi lên họp. Ở cuộc họp có bà mẹ Chức trong số những bà mẹ Tiên Lãng giàu lòng yêu bộ đội quý cán bộ, thổi cơm, tải đạn cho anh em những ngày chống càn. Mẹ Chức nói với tôi:

- Chúng tôi ở đây dù bận việc nhà đến đâu, dù địch khủng bố dữ đến đâu, khi có những buổi họp như thế là phải mò đi bằng được, không chịu vắng mặt bao giờ. Cố họp cho hiểu tình hình mới yên tâm làm ăn được. Nhưng so với các nơi khác, bà con chúng tôi đây còn dốt nhiều lắm, anh ạ.

Dưới ánh đèn dầu, tôi cố ngắm kỹ đôi quầng mắt thâm của mẹ Chức, muốn nói với mẹ:

- Không mẹ ạ! Chỉ có thằng giặc mới dốt thôi! Nó không bao giờ hiểu được ý chí gang thép của các mẹ, của đồng bào Tiên Lãng, của dân tộc chúng ta. Các mẹ giỏi lắm, các mẹ anh dũng lắm! Gương sáng của các mẹ đã dạy chúng con biết yêu cuộc sống nhiều hơn, hiểu rõ hơn vì sao phải chiến đấu để bảo vệ đời sống của mỗi chúng con và của Tổ quốc.

Tôi sực nhớ đến hôm lội qua đầm Chay tới thăm mộ cụ bà Sồi trên cánh đồng làng Tự Tiên. Ngôi mộ mới còn lại những chân hương. Người mẹ bần nông hiền mến của cán bộ, du kích đã yên giấc vẻ vang dưới nền đất tổ tiên. Cụ Sồi năm nay hơn 60 tuổi, lúc chống càn nhận trách nhiệm giữ ba ụ thóc công cho ủy ban xã. Mấy trăm thằng địch đánh đến làng, sục thấy ở nhà cụ ba ụ thóc. Chúng nó quát:

- Mày giữ thóc thuế nông nghiệp?!

Cụ Sồi bình tĩnh:

- Thóc của nhà tôi!

Bọn giặc liền dùng báng súng đánh cụ vẹo mồm gãy răng. Rồi chĩa nòng súng vào giữa ngực cụ, bọn giặc nói hùng hổ:

- Nếu quan hỏi ra là thóc thuế nông nghiệp thì bắn chết mày ngay.

Cụ Sồi bảo chúng nó:

- Cứ hỏi cả làng này đi? Nếu đúng thì cứ bắn!

Bọn giặc tưới dầu đốt ụ thóc rồi bỏ sang xóm bên. Cụ Sồi vội vã chạy đi múc nước tưới dập ngọn lửa, hì hục xúc thóc ra phơi, "thóc của Chính phủ".

Bỗng giặc quay trở lại, tra hỏi cụ Sồi:

- Những đứa nào vừa nổ súng ở làng này? Bộ đội, du kích ở đâu?

- Bộ đội, du kích ẩn hiện như ma, các ông còn không biết nữa là tôi!

Bọn địch quăng xuống sân mấy lồng gà cướp được trong xóm và bắt phụ nữ ra làm thịt gà. Chúng kiếm cớ để rình chị em ra là hiếp. Biết thế, cụ Sồi đứng ra nhận làm thịt gà để bảo vệ chị em. Ðến lúc làm, cụ giả vờ lỡ tay để xổng gần hết số gà trong lồng.

Xe cóc địch rú máy chạy nhặng xị quanh bốn mặt làng. Cụ Sồi chạy đi chỉ lối cho phụ nữ trốn. Cụ đến các hầm bí mật giấu cán bộ để tiếp tế thức ăn và báo tin tức. Vừa lúc ở chỗ hầm đồng chí Mộc quay ra thì cụ Sồi bị địch bắn trúng một băng tiểu liên. Ðồng chí Mộc dẫn tôi đi qua thôn cụ Sồi ở trước và kể tôi nghe câu chuyện trên. Nhớ tiếc người đã cứu sống mình, đồng chí Mộc chau mày:

- Trong những ngày chống càn bình định, có một sức mạnh khuyến khích tất cả anh chị em cán bộ vượt mọi nguy hiểm để công tác. Sức mạnh ấy là tình dân. Cứ nghĩ đến những đồng bào đáng quý và đáng kính đó, mà bom đạn địch đã cướp đi mất, thật đau xót như mất chính bố mẹ mình.

Lòng căm thù giặc bắt nguồn từ những vết thương tình cảm mỗi ngày một chồng chất, một sâu sắc ấy. Ðấy là chuyện bà Lâm bên xóm giáo có người con trai độc nhất hy sinh trong chiến đấu. Ðấy là chuyện chị Hồng có người chồng mới cưới bỏ mình nơi công sự đầu làng. Ðấy là chuyện chị Liên bị giặc bắt mất chồng về đồn Mỹ Lộc.

Dạo này, địch dội đại bác về xã không kể ngày đêm, không có mục tiêu nhất định nào. Vào lúc tối đại bác nổ dồn dập hơn. Bà Hữu lấy giẻ bịt lỗ tai đứa con mới đẻ, ôm chặt ru nó ngủ dưới hầm tránh đại bác chật hẹp. Ðêm nay có biết bao nhiêu bà mẹ trong khu du kích như bà Hữu đang cắn môi cố giữ lấy cho con một giấc ngủ ngon? Ðịch muốn gieo trên Tiên Lãng một không khí căng thẳng, khiếp sợ, tang tóc. Nhưng trong ánh chớp và tiếng nổ choang choác của đại bác địch, tôi thấy như vẫn hiện lên hình ảnh cuộc họp của phụ nữ làng Sa Vĩ, tiếng mẹ chị Thời kể cái chết của chị bị giặc đâm trăm nhát dao, cắt vú hất xác xuống hố cá nhân, tiếng bà Chín tả cảnh nhà bị bom, bà bị giặc hiếp, con chết, chồng bị bắt, mẹ già bị thương và nhiều tiếng nấc khác nữa. Tiếng kể khổ của tất cả các mẹ, các chị hòa với tiếng biển gầm từ xa đưa lại, với nghìn vạn tiếng thét căm hờn của những người còn sống trên mảnh đất Tiên Lãng anh dũng này.

Cứ mỗi lần đi qua chợ Vượn tôi không thể không dừng chân lại chốc lát. Khu đất này ở giữa xã, trước là một dãy chợ sầm uất. Qua bao trận địch càn quét, chợ Vượn nay chỉ là một bãi đất hoang nhỏ. Phải, nó chỉ là một bãi đất rải rác hố đạn đại bác. Nhưng sao khu đất đó vẫn làm chúng ta phải suy nghĩ nhiều khi đi qua? Vì một lẽ đơn giản: Ở đây đã thấm máu những người vẻ vang.

Hôm đó hai anh Cường và Cầu có nhiệm vụ đến bố trí ở chợ Vượn để giữ đường đón một đơn vị bộ đội về xã phối hợp tác chiến. Lúc xẩm tối, bò gần tới chỗ thì thấy địch đã đến trước chiếm giữ rồi. Tình thế trở nên gay, chung quanh là đồng nước. Mấy hôm trước tối nào cũng có người bị địch phục kích bắn chết ở đây. Bóng bụi xương rồng ở góc đồng đàng kia vẫn còn thấy rõ. Ðấy là trụ sở khai hội của chi ủy, xã đội khi chống càn, ngày ngày kiểm điểm và phân phối công tác.

Tiếng chi ủy như còn vang bên tai: "Cường, Cầu cố lên nhé. Sống chết cũng phải đón bằng được bộ đội về đêm nay. Không còn con đường nào khác. Men lối cầu đá mà đi, các đồng chí nhớ chứ?". Câu nói hình như còn có nghĩa: "Các đồng chí nhớ mình là người đảng viên!"... Rồi hình ảnh lớp học tiêu chuẩn đảng viên... Lời hứa với Ðảng... Nắm tay thề trước lá cờ Tổ quốc... Cường, Cầu quyết tâm trườn lên về phía địch. Thấy động địch nổ súng. Hai anh bắn trả lại. Ðánh nhau một lúc lâu. Sáu đại liên, trung liên địch quạt dữ, lia chết hai anh. Xã đội lập tức cử hai anh Chu, Thái lội qua đồng nước lên lấy xác Cường, Cầu và tiếp tục nhiệm vụ chiếm đường. Cứ giằng co quanh bãi đất con ấy đến gần hết đêm. Máu còn đổ nữa. Nhưng cuối cùng hai anh Chu, Thái đánh bật địch đi chợ Vượn trở về với ta. Bộ đội thực hiện được kế hoạch chuyển quân qua bãi chợ cũ.

Lại như chuyện anh Ðạo. Anh chỉ là một dân quân thường làm mọi thứ việc: Canh gác đề phòng biệt kích, theo dõi địch tình, dẫn đường cho bộ đội, thổi cơm tiếp tế, phơi thóc công...

Lúc trận đánh trong thôn đang ác liệt thì ông Hầu, thôn đội trưởng hy sinh. Tổ nông hội họp nhận định tình hình cử ngay anh Ðạo lên thay. Anh không ngần ngại, xách luôn súng đưa anh em đi phục kích, truy kích, đánh trong ngoài làng, đánh giáp lá cà giữa cánh đồng thôn Hoàng giết năm tên giặc. Tổ du kích của anh xông pha không biết mệt đến hết cuộc chống càn.

Trước sự hung hãn của địch, không ai còn tính đến sự chênh lệch về vũ khí, sự bất lợi của địa hình địa vật. Lúc đó chỉ có một ý nghĩ duy nhất: Chiến đấu thì sống.

Ðồng chí bí thư chi bộ xã trạc bốn chục tuổi, tóc hoa râm, điềm đạm, chắc chắn, lúc biến cũng như lúc thường. Hôm địch rập rình ngoài sông đổ quân lên cống Ðôi, đồng chí bàn với xã đội cách bố trí đánh địch, trao nhiệm vụ cho các tổ du kích và dặn chúng tôi:

- Còn các đồng chí thì có thể yên trí đi ngủ giữ sức để mai làm nhiệm vụ. Việc bám sát địch đâu vào đấy cả rồi. Nó đến được đây cũng phải chạm súng kịch liệt với các đồng chí ở ngoài làng Ðôi. Tàu chiến, ca-nô địch mở máy o o cả đêm thế này càng dễ ru chúng mình ngủ lắm đấy. Nhưng nhớ để một tai tỉnh, kẻo nó vào khiêng xuống tàu lúc nào không biết đấy.

Ðồng chí bí thư chi bộ Ðảng đã có lần nói với tôi:

- Sự thật chúng tôi chẳng phải chiến đấu cô độc. Này nhé: Ðồng bào xã bên ủng hộ chúng tôi một nghìn "nàng" (*) cói. Ðồng bào Vĩnh Bảo thì đẩy qua sông giúp cho ngót trăm cây tre. Ðồng bào Thái Bình gửi tặng chúng tôi hàng gánh bàn chông. Ðồng bào Hải Dương, Hưng Yên gửi đến không biết bao nhiêu là thư khuyến khích. Bộ đội đánh tiêu diệt vị trí Vân Trì (Hưng Yên) cũng là để phối hợp với chúng tôi.

Nhưng có một điều vui mừng không thể tưởng tượng được là hôm đón nhận bức thư của Hồ Chủ tịch. Bác bảo: Tiên Lãng chống càn giỏi, Bác thay mặt Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Sao Bác ở gần chúng tôi đến thế và săn sóc chúng tôi đến thế. Anh tính còn có hạnh phúc nào to lớn bằng. Chúng tôi vừa tổ chức từ cán bộ ra ngoài nhân dân học tập thư Bác. Ai cũng liên hệ xem mình đã thật "đoàn kết, khắc phục khó khăn, liên tục chiến đấu" như lời Bác dạy trong thư chưa?

Nhưng ở địch hậu Tiên Lãng các cháu thiếu nhi nhớ Bác Hồ nhiều nhất. Như chuyện tổ thiếu nhi của em Trịnh. Các em cùng với một số các cụ bị giặc dồn vào giam ở xóm nhà ông Thiện. Ðịch sục thấy một cửa hầm bí mật ở bếp, nhưng không dám xuống. Trịnh ra hiệu báo cho các bạn biết. Bỗng một thằng địch cầm gốc củi đập vào đầu Trịnh:

- "Ra đây mò hầm cho tao. Chui xuống xem có súng, có người không, lôi lên đây".

Trịnh luồn vào ngách hầm thấy một anh du kích và hai khẩu súng. Em giả vờ tìm một lúc lâu rồi quay ra bảo tên địch:

- Không thấy gì hết.

Ðịch dọa bắn. Rồi lại đẩy Trịnh xuống lần nữa. Trịnh cầm lên một cục gỗ vứt trước mặt giặc: 

- Chỉ mò thấy cái này.

Thằng địch liền cầm chiếc néo tre đực quật lấy quật để vào hai đầu gối, hai khuỷu tay em Trịnh. Sau nó dỗ cho kẹo. Em Trịnh vẫn khăng khăng:

- Ðã bảo không có gì là không có gì cơ mà?

Thằng địch lại bóp cổ em, cầm gáy vật xuống đất. Trịnh ngất một lúc lâu. Các cụ phải chạy ra ôm em về chữa thuốc.

Em Trịnh vạch ống quần cho tôi xem vết thương ở đầu gối.

- Hôm em mới bị, chỗ này mất hẳn một miếng thịt. Ăn rau muống nhiều nay lại đầy thịt rồi, anh ạ.

Rồi chỉ vào các bạn nhỏ của em, Trịnh tiếp:

- Chúng em đây đứa nào cũng bị địch bắt đi mò hầm. Bạn Chức đây, bị nó dụ cho bánh. Bạn Tiêm đây bị nó đẩy xuống hầm rồi quẳng theo một quả lựu đạn hỏa mù suýt chết ngạt. Lại còn chị Vân nữa mới ghê. Ðịch quấn tóc chị vào cột nhà, lấy khăn vuông trói tay chị, đánh chị nhừ tử lại còn cầm dao dọa cắt tiết chị. Nhưng chị Vân cũng như chúng em chẳng ai khai báo cho địch. Chúng em ở đoàn thể thiếu nhi Tháng Tám. Bác dạy chúng em các điều ngoan. Chúng em không bao giờ quên lời Bác. Lúc bị đánh đau, chúng em nghĩ: Chúng em chết nhưng các anh ấy sống. Chúng em nhất định không khai một tí gì cho địch biết.

Em Chức bé loắt choắt, nhanh nhảu tiếp lời Trịnh:

- Ở nhà em, bữa cơm tối nào mẹ em cũng dặn: "Mày đừng có bép xép làm hại đến các anh ấy nhé". Em vẫn biết rằng có các anh chúng em mới được hát, được chơi, được học. Thằng giặc đến là mất hết. Hôm chống càn xong, em chạy ra giữa đồng hát thật to bài "Ca ngợi Bác Hồ", hát đến rát cổ, cho bõ những ngày địch càn quét chẳng được chơi, hát gì cả. Mẹ em thấy thế, cốc vào đầu em, mắng: "Hát to thế bốt nó nghe thấy thì sao?". Mẹ em lo xa thế chứ bị bốt gì thì bốt cấm sao được các em hát. Hôm sau, em rủ mấy bạn em ngày ngày ra một góc đồng xa hát khe khẽ bài hát quen thuộc đó của chúng em.

Mắt trong sáng, má ửng đỏ, các em ngồi thi nhau kể chuyện cho tôi nghe. Ríu rít như chim, những bầy chim còn non đã phải bước chân sớm vào cuộc thử thách, bị rách lông, sướt móng, nhưng tiếng hót yêu đời, yêu Bác không bao giờ tắt trên môi. Tôi nắm chặt tay các em, những em nhỏ đáng mến của Tiên Lãng. Các em làm tôi nhớ đến bà Năm, một bà mẹ công giáo ở xóm nhà thờ. Ngày chống càn, bà đang chạy dưới bom đạn địch để tiếp tế cơm cho du kích thì thấy một anh bộ đội bị thương. Hỏi mới biết anh tên là Ðông, thuộc một đơn vị bộ đội huyện. Bà Năm liền ghé lưng cõng anh về nhà, phá màn làm băng quấn vết thương cho anh. Anh Ðông nói hổn hển:

- Con bị thương nằm đây, địch đến thì làm thế nào mẹ?

- Tôi sẽ nhận anh là con.

Bà Năm nấu nước, nấu cháo, ngồi quạt và xúc cho anh thương binh ăn. Anh Ðông ngước nhìn bà cảm động:

- Mẹ ơi! Máu con ra nhiều lắm. Có lẽ chết mất. Ở dưới gốc hoàng tinh con còn giấu một tấm ảnh Hồ Chủ tịch và 700 đồng bạc. Con gửi lại mẹ. Mẹ vất vả vì con nhiều quá...

Bà Năm giọng thương mến: 

- Không! Chúng tôi còn sống, thì anh còn sống. Chúng tôi chỉ có mất ngủ chứ các anh thì mất cả xương máu kia! Anh cứ nằm yên đây tĩnh dưỡng.

Bà Năm chạy đi chạy lại trông nom cơm nước cho thương binh, bộ đội, du kích. Củi không có. Bà phải bò trước mũi súng địch đến chùa làng Sa Vĩ bị bom. Bới dưới đống gạch đổ nhặt từng mẩu gỗ vụn về đun. Bà Năm nói:

- Trước kia tôi làm ăn tất tả quanh năm không đủ sống. Xuân, hạ, thu, đông bốn mùa chỉ có chiếc khố rách che thân đi mò tôm cá suốt ngày ngoài bơn. Từ khi có cách mạng, có Cụ Hồ tôi mới có cơm ăn, áo mặc như thế này. Bảo tôi bây giờ không lăn lộn để giúp các anh sao được!

Bà Năm vừa được xã tạm cấp bốn sào ruộng và thêm nửa sào vườn chè. Hôm ấy địch ở ngoài sông nã súng cối tới tấp vào làng. Tôi thấy bà Năm bình tĩnh như mọi người khác, vẫn cắm đầu dẫm cỏ ruộng. Buổi chiều, súng còn nổ ran, bà đi làm về hái nắm lá chè đun nước. Rót nước ra chiếc bát sành, bà bảo tôi:

- Chè Cụ Hồ đấy! Kệ cho giặc ùng oàng, anh cứ uống đi.

Ngày hôm qua đây, khi có việc ra bến đò, tôi gặp hai anh thanh niên, trẻ xấp xỉ như nhau. Một anh đầu trần, quấn băng trắng ở chân. Một anh đội nón mê, quần áo tơi tả. Cả hai anh từ đò nhảy lên bờ reo:

- Ha ha! Tiên Lãng đây rồi!

Hai anh là du kích xã bị giặc bắt trong trận càn bình định. Giặc đưa các anh về giam ở Hải Phòng. Nhân một hôm phải đi làm phu, hai anh bảo nhau cầm hòn đá lớn phang vỡ đầu thằng lính gác rồi bỏ trốn. Chạy qua đường 5, chạy qua Hải Dương, đi suốt ngày đêm về tới Tiên Lãng. Anh đầu trần bảo anh đội nón:

- Chúng mình về cầm súng giữ làng chuyến này ít nhất cũng học thêm được một cách dùng đá nện dập đầu giặc.

Tiên Lãng anh dũng, bất khuất đang bước vào một cuộc chiến đấu mới, rất gay mà rất vững.

--------------
(*) Bó (cói).

Có thể bạn quan tâm