Trẻ hóa, nhất thể hóa chức danh cán bộ cơ sở ở Thanh Hóa

Nhiều năm qua, gắn liền đẩy mạnh việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, khắc phục việc trùng lắp, chồng chéo về chức năng, tỉnh Thanh Hóa tập trung thực hiện việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn liền coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng 3 TP Sầm Sơn năm 2019.
Bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng 3 TP Sầm Sơn năm 2019.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, mặt khác xuất phát từ thực tiễn một bộ phận cán bộ, công chức ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; vẫn còn cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020. Nghị quyết đặt ra mục tiêu, giải pháp bảo đảm chuẩn hóa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện, tạo chuyển biến tích cực từ cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức bảo đảm tăng về số lượng và nâng cao chất lượng được triển khai. Với các kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, trong 5 năm liền, tỉnh đã bố trí hàng chục tỷ đồng chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức. Ban Thường vụ huyện ủy Thạch Thành đã ban hành chương trình “Ðào tạo và sử dụng nguồn nhân lực huyện Thạch Thành”, giai đoạn 2016 - 2020. Huyện đã phối hợp với Trường đại học Hồng Ðức và Trường Chính trị tỉnh mở các lớp đào tạo chuyên môn và chính trị cho cán bộ tham gia học tập, cập nhật kiến thức ngoài huyện. Ðồng thời, huyện tổ chức để đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở đi tham quan, học tập các mô hình, các kinh nghiệm hay ở các địa phương, nhằm bổ sung kiến thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, nhiều cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã ở Thạch Thành có trình độ chuyên môn thạc sĩ, trình độ trung cấp, cao cấp lý luận chính trị.

Kết quả toàn tỉnh, đã có gần 69 nghìn lượt cán bộ công chức, viên chức được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước; gần 1.800 lượt người tham gia các khóa đào tạo, khảo sát, bồi dưỡng nghiệp vụ tại nước ngoài. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay có hơn 2.000 cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Hai năm qua, tỉnh đã triển khai, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo kế hoạch đề ra; cử 218 đồng chí đi học cao cấp lý luận chính trị; quyết định mở 45 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính... Trong quá trình bồi dưỡng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên trao đổi, tỉnh thực hiện phương châm ba tăng là: tăng thực hành, tăng đối thoại, tăng xử lý tình huống và ba giảm là: giảm lý thuyết suông; giảm độc thoại; giảm đọc, chép; chú trọng phát huy sự năng động sáng tạo cho học viên, vừa tạo cơ hội để người học tham quan, nghiên cứu những mô hình tốt, cách làm hay trên địa bàn tỉnh.

Ðồng thời, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách thu hút, tăng cường nguồn nhân lực cho cơ sở, tuyển dụng được 1.679 người có trình độ đại học về công tác tại xã, phường, thị trấn, tuyển chọn 60 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc bảy huyện nghèo. Việc đưa trí thức trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo Ðề án của Chính phủ được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Toàn tỉnh đã tổ chức năm đợt tuyển chọn 183 trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã thuộc các huyện 30a. Kết thúc Dự án, trí thức trẻ tình nguyện được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tuyển dụng, nhiều người trong số đó đã trưởng thành, đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp xã.

Cùng với đó, công tác bổ nhiệm, luận chuyển cán bộ các cấp ở tỉnh đã có nhiều chuyển biến. Tỉnh tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trước đây. Tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới kỳ thi tuyển công chức, hướng tới các mục tiêu: nghiêm túc, công bằng, chất lượng và hiệu quả.

Có thể thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở được nâng lên cả ba tiêu chí: trình độ chuyên môn, trình độ chính trị và trình độ ngoại ngữ. Ðáng chú ý là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Cơ cấu cán bộ nữ và trẻ ở cơ sở không ngừng được cải thiện, phù hợp.

Tinh gọn bộ máy gắn liền nhất thể hóa chức danh

Thanh Hóa triển khai sớm, đồng bộ mô hình “nhất thể hóa” chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng đề án, thực hiện thí điểm mô hình tại TP Thanh Hóa và hai huyện Như Thanh và Thạch Thành. Tỉnh đã triển khai hơn 300 mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố. Từ đó, cấp ủy rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo thực hiện mô hình nhất thể hóa đối với những nơi có điều kiện, đồng thời chỉ đạo ban hành quy chế hoạt động và phụ cấp đối với chức danh kiêm nhiệm.

Tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu hết năm 2019 sẽ giảm 1.300 thôn, tổ dân phố, tương đương với 20% tổng số thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời với quá trình sáp nhập thôn, tổ dân phố, các địa phương triển khai thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bố trí kiêm nhiệm các chức danh. Ðến nay, toàn tỉnh có 1.867 thôn, bản, khu phố đã thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; 3.645 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận, 1.044 phó bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận. Cụ thể, huyện Quan Sơn đạt 100%; Như Xuân đạt 89%; Quảng Xương 85%; Quan Hóa 83% đạt thôn, bản nhất thể hóa... Qua đó, toàn tỉnh giảm được hơn 10 nghìn nhân sự đang làm việc tại các thôn, tổ dân phố. Hiện, toàn tỉnh có 32 đồng chí bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã; 1.845 đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố, chiếm hơn 30% số đơn vị cấp thôn toàn tỉnh.

Thực tế Thanh Hóa cho thấy, sự trưởng thành, lớn mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhân tố quyết định sức mạnh và hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Việc nhất thể hóa, kiêm nhiệm chức danh cán bộ góp phần tinh gọn số lượng người làm việc, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách. Tuy nhiên, còn một bộ phận cán bộ, công chức ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Một số địa phương, đơn vị còn cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiên hà cho nhân dân... Trong đó có nguyên nhân từ công tác bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tăng về số lượng, nhưng chất lượng có mặt còn hạn chế. Việc bổ nhiệm, đào tạo theo vị trí việc làm còn bất cập. Thời gian tới, các cấp ủy trong toàn Ðảng bộ tỉnh tiếp tục coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hệ thống chính trị cơ sở; đồng thời, tỉnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, bảo đảm vai trò lãnh đạo nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức chính trị tại địa phương, cơ quan, đơn vị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ðỗ Trọng Hưng trao đổi.

Ðược biết, các cấp ủy trong tỉnh cũng đang dồn sức hoàn thiện việc nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố sau khi có quyết định của cấp có thầm quyền về sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn.