Trẻ em trước nguy cơ lao động sớm sau thảm họa thiên nhiên

NDO -

NDĐT - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo, việc thiên tai có tính chất nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên hơn tại Việt Nam do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, có thể khiến nhiều em nhỏ trở thành lao động trẻ em nếu không có những biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Trẻ em trước nguy cơ lao động sớm sau thảm họa thiên nhiên

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo về phòng ngừa lao động trẻ em trong thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp ILO tổ chức ngày 13-6, tại Hà Nội.

Hiện nay, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, thiên tai tại Việt Nam ngày càng trở nghiêm trọng và khó dự đoán. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã hứng chịu hơn 20 thiên tai trong năm 2016, bao gồm hạn nặng, lũ lụt và xâm nhập mặn.

Trong khi đó, gần 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn và hơn 40% lực lượng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động mà thiên tai để lại về mặt lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trẻ em là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Việt Nam đã có một khuôn khổ pháp lý và chiến lược để phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như các chính sách hỗ trợ trẻ em và gia đình trong tình trạng khẩn cấp do thiên tai. Chính phủ cũng giúp đỡ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai khắc phục hậu quả.

"Tuy nhiên, việc bảo vệ trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em trong thiên tai đòi hỏi sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội" - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam và Tổng cục Thống kê thực hiện, có 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 - 17 tuổi, chiếm 9,6% dân số trẻ em toàn quốc.

Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee cho rằng, thiên tai hủy hoại sinh kế và điều kiện kinh tế gia đình, trẻ em có thể không còn lựa trọn nào khác ngoài việc phải bỏ học và đi làm vì sự sinh tồn của bản thân và gia đình.

Giám đốc ILO tại Việt Nam cũng kêu gọi hợp tác trên nhiều lĩnh vực chính sách ở các cấp khác nhau, bao gồm hỗ trợ tài chính, tập huấn chuẩn bị ứng phó, thành lập các nhóm hỗ trợ cộng đồng và các cơ chế kiểm tra điều kiện và an toàn lao động trong các chương trình phục hồi kinh tế. Theo ông, các giải pháp nên tập trung vào xác định các vấn đề cụ thể và các trường hợp lao động trẻ em để cải thiện sự phối hợp, giám sát, thu thập dữ liệu về bảo vệ trẻ em và lao động trẻ em.

Tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, với một mục tiêu cụ thể nhằm loại bỏ mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi xướng các cuộc thảo luận để hình thành liên minh 8.7, mạng lưới kết nối các bên liên quan để đạt mục tiêu 8.7 của Mục tiêu Phát triển bền vững nhằm giải quyết vấn đề lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, nô lệ hiện đại và buôn bán người.