Hình tượng quen thuộc trong văn hóa và mỹ thuật
Trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn minh lúa nước ở Việt Nam, con trâu hiền lành, cùng chịu kham khổ, vất vả sớm khuya với người nông dân trong nhiều công việc làm ruộng - từ cày vỡ, cày ải, đánh luống, bừa vỡ, bừa kỹ…
Hình ảnh con trâu hiền lành, cần cù gắn liền với người nông dân và lũy tre làng là “nét đậm” trong văn hóa Việt. “Con trâu đi trước cái cày theo sau” đã thành một trong những hình ảnh biểu trưng của người nông dân trồng lúa. Và câu ca dao “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu - Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” vẽ nên bức tranh đồng quê Việt Nam bình yên, và trong đó có sự đồng tâm, thuận hòa. Sau những lúc cày bừa vất vả, trâu đủng đỉnh gặm cỏ trên đồng, trẻ mục đồng trên lưng trâu thổi sáo là hình ảnh của phong cảnh bình yên, lãng mạn của làng quê Việt. Nhà nông có được con trâu là đã có “đầu cơ nghiệp” và ngày xưa mua trâu được tính là một trong ba việc trọng đại của cả một đời người “tậu trâu, (để/rồi) lấy vợ, (sau đó mới/có thể) làm nhà”. Con trâu thân với người lắm, chia sẻ với người những no đói, buồn vui. Con trâu gần gũi được người nông dân coi như bạn và có thể trò chuyện bình đẳng “Trâu ơi ta bảo trâu này”.
Hình tượng trâu quen thuộc trong văn hóa và mỹ thuật Việt Nam từ sớm và kéo dài liên tục đến đương đại. Còn xa hơn những gì được kể lại, viết lại, trong cuộc khai quật năm 2010 ở Đình Tràng (Đông Anh, Hà Nội), các nhà khảo cổ đã tìm thấy một vật đeo (có lỗ xỏ dây) hình đầu trâu được làm từ nephrite (đá ngọc có vân) thuộc giai đoạn văn hóa Gò Mun (cách ngày nay 3000 - 2800 năm).
Tháng 12-2020, trước thềm năm mới Tân Sửu, khi khai quật gò Dền Rắn trong khu vực di chỉ Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội) các nhà khoa học lại tìm thấy vật đeo hình đầu trâu cũng được chế tác công phu từ nephrite có niên đại tương tự như vật đeo hình đầu trâu tìm thấy ở Đình Tràng. Đó là những hiện vật khẳng định chắc chắn rằng con trâu đã rất quen thuộc trong đời sống của cư dân Việt cổ. Con trâu đã từ một con vật thật trở thành một biểu tượng văn hóa, được hóa thân trong đồ trang sức (có thể là) mang tính tâm linh (như một dạng bùa đeo) của những cư dân nông nghiệp từ rất xa xưa, cách nay đã ba thiên niên kỷ.
Trước thềm chùa Phật Tích, trên núi Lạn Kha (Tiên Du, Bắc Ninh) - ngôi quốc tự thời Lý, từ thế kỷ 11 có năm đôi linh vật thú khá lớn được tạo tác từ đá khối. Bên cạnh voi, sư tử, ngựa, tê giác, có con trâu. Ở sân Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tượng trâu từ thế kỷ 13 tìm được ở Thái Bình...
Trên một bình diện khác, bằng một con đường khác, trâu lại đến với mỗi gia đình nông dân trong dịp Tết, bền bỉ thân quen trên tranh dân gian Đông Hồ cũng đã vài thế kỷ nay.
Anh Nguyễn Hữu Quả, Nghệ nhân ưu tú tranh Đông Hồ, chia sẻ: “Trong tranh Đông Hồ, trâu và lợn là hai con vật gần người hơn cả và có vai trò quan trọng trong cuộc sống gia đình nên có số mẫu tranh nhiều hơn hẳn các con vật khác. Riêng hình trâu đã có hơn 10 mẫu tranh”.
Hiện nay, trâu có mặt phổ biến và đa dạng trong đời sống mỹ thuât đương đại. Nhiều họa sĩ tài danh/và thành danh (vì) vẽ trâu. Người ta đã quen với “Trâu Thành Chương” (trâu của họa sĩ Thành Chương), “Trâu Nguyên” (trâu của họa sĩ Lê Đình Nguyên) hay trâu của họa sĩ Tào Linh... Trâu vàng là linh vật biểu tượng của SEA games 22 (năm 2003) do Việt Nam đăng cai.
Tranh trâu mang tải kín đáo cả nhân sinh quan và triết lý cuộc đời
Giản dị nhưng sâu sắc, tranh trâu Đông Hồ còn mang tải kín đáo cả nhân sinh quan và triết lý cuộc đời. Chủ đề lớn “Thiên hạ thái bình” được thể hiện chỉ qua hình người nông dân và “người bạn” trâu thảnh thơi nghỉ ngơi sau khi hoàn thành công việc. Người nông phu buông cày, nâng bát nước còn trâu thì nằm nghỉ và ngoảnh mặt lại như đang cười. Trên thì hoa xuân đua nở, dưới thì cây cỏ tốt tươi. Giản dị đến tối giản như vậy thôi nhưng thế chẳng phải đủ nói “Thiên hạ thái bình” ư?
Bức tranh quen thuộc “Chăn trâu thổi sáo” được đề thêm dòng chữ “Hà diệp cái thanh thanh” - cái lọng (bằng) lá sen xanh xanh. Lọng là vật phẩm trang trọng dùng cho người quyền quý cao sang và đương nhiên không phải là lá sen. Nhưng cậu bé an nhiên trên lưng trâu thổi sáo và dưới tán một chiếc lá sen xanh vẫn thấy mình như đang được che lọng. Phải có tâm thế bình yên, tĩnh tại, coi nhẹ phù hoa, không vướng vòng danh lợi, không động tâm trước cuộc đời biến động đến mức nào mới có thể coi một chiếc lá sen vô cùng bình dị như là một chiếc lọng cao quý. Và dưới cái lọng lá sen đó, là hình ảnh con trâu thân quen đang nghênh sừng, co chân như vui nhún nhẩy - chứ không phải là ngựa được trang phục chỉn chu hay là kiệu với đoàn tùy tùng đông đảo.
Tranh “Hội chọi trâu” với hai trâu của “đông xã” và “đoài xã” đang giao đấu, trong tư thế ghìm sừng nhau quyết liệt nhưng vẫn toát ra hòa khí mà không xung sát, ăn thua. Bố cục tranh chặt mà cân bằng, màu sắc tương phản nhưng không gắt mà hòa, tỷ lệ hình khối giữa hai trâu chọi tương đương… đủ nói lên đây là cuộc đấu hòa bình, vui và thượng võ, hai đội đấu “ngang cơ” và đoàn kết. Đó cũng là triết lý nhân sinh truyền thống ở làng xã từ bao đời. Nếu nhìn chậm và nghĩ kỹ còn có thể “đọc” được nhiều điều mà các nghệ nhân xưa “cài” thâm trầm sau những hình ảnh trâu.
Dù hình thức và chất liệu thể hiện đa dạng khác nhau, mô-típ và thông điệp biểu đạt có thể ẩn dưới nhiều lớp nghĩa, nhưng hình tượng trâu trong văn hóa đều có những điểm chung là biểu hiện tượng trưng cho sức khỏe mạnh mẽ, cho những đức tính chắc chắn và trung thành, hiền lành và chịu khó, chăm chỉ và thật thà. Trâu là một hình tượng đẹp và gần gũi.