Sáng 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 146 của Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã, nhằm phát huy nguồn lực của lực lượng này để giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện.
Phát huy nguồn lực của lực lượng công an xã
Phát biểu tại hội trường và từ các điểm cầu, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều tán thành việc sửa đổi, bổ sung nêu trên để giao thêm nhiệm vụ cho công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Hiện nay, tất cả công an xã đã được tổ chức chính quy, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, đã và đang góp phần hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang diễn ra phức tạp, phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.
Theo các đại biểu, việc trao thêm quyền cho công an xã như trong đề xuất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giúp giảm tải khối lượng công việc rất lớn cho cơ quan điều tra công an cấp huyện ở các địa phương trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Theo đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình), việc sửa đổi, bổ sung này là hết sức cần thiết, phù hợp với hệ thống tổ chức bộ máy của lực lượng công an nhân dân và yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, công an xã là lực lượng thường trực gần dân nhất, đến nắm, tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm từ nhân dân, luôn có mặt nhanh nhất, kịp thời nhất khi có những vụ việc liên quan an ninh, trật tự xảy ra ở cơ sở, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cũng như hậu quả của tội phạm, tiến hành các hoạt động theo thẩm quyền để bảo vệ hiện trường, tài liệu, vật chứng, phối hợp truy bắt thủ phạm…
Theo đại biểu Nguyễn Tiến Nam, hiện nay, 100% xã đã được bố trí công an chính quy với khoảng 45 nghìn công an chính quy được điều động, bố trí đảm nhiệm chức danh công an xã. Trong đó, hơn 50% có trình độ đại học công an, gần 22% từng công tác tại các đội điều tra công an cấp huyện, trên 7,1% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan đến công tác điều tra hình sự.
Như vậy, nguồn nhân lực của công an xã là rất lớn, đủ khả năng để đáp ứng cho việc bổ sung nhiệm vụ của công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tương đương như công an phường, thị trấn.
Tán thành sự cần thiết bổ sung thẩm quyền của công an xã trong hoạt động điều tra, tố tụng hình sự, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, đó là việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về bố trí công an xã chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì công an xã lại càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng dẫn thực tế ở địa phương, thực hiện quy định của pháp luật với phương châm "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện và xã bám cơ sở", hiện nay, lực lượng công an xã trong tỉnh Hải Dương đã được tổ chức chính quy về chức danh, cơ cấu lực lượng, năng lực và trách nhiệm. Qua thực tiễn hai năm, kết quả tham gia của công an xã vào công tác điều tra hình sự đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, kéo giảm tội phạm trên địa bàn tỉnh, giúp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng công an nhân dân.
Trao thêm quyền nhưng cần kiểm sát chặt chẽ
Đồng tình việc cần thiết sửa đổi quy định bổ sung trách nhiệm cho công an xã để phù hợp với vị trí, vai trò của công an xã chính quy đã được thiết lập như hiện nay, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cũng nêu rõ, đây là quy định mới nên cần được xem xét, đánh giá đầy đủ theo trình tự xây dựng luật thông thường theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, về mặt thực tiễn, lực lượng công an xã chính quy mới được thiết lập, đối với các tỉnh miền núi như Cao Bằng thì hiện nay cơ bản các xã đều được bố trí năm đồng chí công an xã. Tuy nhiên, lực lượng này thực hiện rất nhiều việc ở cấp xã, cấp trực tiếp làm việc với nhân dân. Đồng thời, đối với các địa bàn này thì lại rộng và giao thông đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, mỗi đồng chí công an được đưa về xã có nghiệp vụ chuyên môn khác nhau, có đồng chí thuộc khối an ninh, có đồng chí thuộc khối cảnh sát, nghiệp vụ không đồng đều, được đào tạo khác nhau. Do vậy, việc giao thêm nhiệm vụ mới cần được xem xét, đánh giá kỹ về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất, bảo đảm tính khả thi.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động của xã hội nói chung và quá trình xử lý các tình huống, những sự kiện liên quan đến tội phạm ở dưới cơ sở. Thời gian qua, công an xã với chủ trương của Bộ Công an đã tăng cường lực lượng chính quy về cơ sở khá nhiều và đang tiếp tục làm. Lực lượng này về mặt năng lực, chuyên môn có thể đáp ứng được yêu cầu, giải quyết được ngay tại chỗ một số tình huống, giảm tải áp lực cho lực lượng công an huyện, góp phần ổn định an ninh, trật tự cả trước mắt lẫn lâu dài.
Giải trình thêm về băn khoăn của các đại biểu về năng lực, chuyên môn của nguồn nhân lực này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, so với trước, năng lực của công an xã đã được chuyển biến nhiều, nhưng vẫn cần tiếp tục tính toán về nhân sự, tái đào tạo và đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất cho công an cấp xã với một lộ tình khẩn trương, tích cực hơn.
Đồng thời, khi công an xã được bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm thì Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm sát chặt chẽ hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ của công an xã như là công an phường, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.