Đây là một trong những hoạt động chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8-3-1910 – 8-3-2021), hưởng ứng "Tuần lễ Áo dài", và nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, chuỗi sự kiện "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2020 gồm nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sôi nổi khắp cả nước đã góp phần khẳng định và tôn vinh vị thế, giá trị của áo dài trong đời sống xã hội của người Việt Nam.
Mỗi cá nhân có cảm nhận về vẻ đẹp, về giá trị di sản một cách khác nhau và cách gìn giữ, phát huy những di sản của dân tộc cũng mỗi người mỗi vẻ; họ dùng tâm huyết và óc sáng tạo của mình để thể hiện qua những nét vẽ cách điệu trong tà áo dài, hay ghi lại hình ảnh người phụ nữ trong lao động và cuộc sống thường ngày qua những bức ảnh; trân trọng và mặc áo dài với sự tự hào về bản sắc văn hóa trong những dịp lễ trọng... Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận hình ảnh, tài liệu hiện vật của 23 cá nhân gồm nhà hoạt động ngoại giao, phóng viên ảnh, nữ bác sĩ và các nhà thiết kế thời trang áo dài... Đây cũng là hoạt động tôn vinh người phụ nữ trong tháng 3 của Bảo tàng.
Các hiện vật được trao tặng rất phong phú và mang nhiều ý nghĩa, không chỉ mang dấu ấn cá nhân mà còn gắn với những sự kiện đặc biệt. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng hai chiếc áo dài được bà mặc trong Lễ trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ, đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và tại Lễ trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon năm 2014.
Cũng là áo dài, 20 nhà thiết kế từ bắc vào nam, trong đó có những tên tuổi nổi bật như Hà Duy, nhà thiết kế người Tây Ban Nha Chula, Hoa hậu Ngọc Hân, nhà thiết kế Huệ Thi từ Cần Thơ… đã trao tặng Bảo tàng 20 bộ áo dài đặc biệt gắn với những di sản từ bắc vào nam, từ miền núi xuống đồng bằng, từ đồng quê đến kinh đô cổ… Từ Kinh đô Huế, Cao nguyên đá Đồng Văn, Phong Nha – Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long…, cho đến thành Nhà Hồ, Phố cổ Hội An, Tín ngưỡng thờ Mẫu, Tín ngưỡng thờ Hùng Vương, ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, hát xoan, ví dặm, bài chòi… đều được các nhà thiết kế thể hiện trên các sáng tạo của mình.
Nhà thiết kế Huệ Thi (Cần Thơ) cho biết, chị sử dụng chất liệu lãnh Mỹ A đặc trưng của Nam Bộ và hình tượng chiếc khăn rằn để tạo nên bộ áo dài. Chị chia sẻ: “Chỉ cần nhìn vào màu đen nhánh đặc trưng của lãnh Mỹ A và kẻ sọc của chiếc khăn rằn, ai cũng có thể nhận ra bộ áo dài này đến từ vùng đất Nam Bộ”…
Nghệ nhân ưu tú Lan Hương, đại diện cho các nhà thiết kế cho biết: "Gắn bó với áo dài truyền thống Việt Nam, tôi không chỉ dành cho tà áo dài tình yêu, mà luôn có sự tự hào về trang phục truyền thống này. Áo dài đối với tôi không đơn giản là trang phục mà nó là biểu tượng của bản sắc Việt, tinh thần Việt, văn hóa Việt...".
Với hoa hậu Đặng Ngọc Hân, hiện đang theo đuổi nghiệp thiết kế thời trang, bộ áo dài kỳ công với họa tiết Nhã nhạc cung đình Huế với các nét vẽ từ tranh của họa sĩ Phạm Trinh là niềm tự hào của cô về một trong những di sản văn hóa đặc biệt của Việt Nam. Ngọc Hân cho biết: "Từ đầu năm 2019, Hân có dịp tìm hiểu sâu về Nhã nhạc cung đình Huế, một trong những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận. Hân mong muốn đưa những bức tranh của họa sĩ nổi tiếng người Huế này lên tà áo dài để giới thiệu nét đẹp văn hóa đến với bạn bè quốc tế. BST áo dài “Nhã nhạc cung đình Huế” khai thác các chất liệu truyền thống như voan, lụa, gấm. Ngoài ra, kỹ thuật in chuyển nhiệt được Hân sử dụng, giúp các nét vẽ của họa sĩ Phạm Trinh trở nên sống động hơn trên nền vải. Tất cả đã khắc họa một cách rõ nét những chuẩn mực văn hóa, phong cách sống cùng những giá trị nhân văn đậm chất cung đình Huế".
Ngoài các bộ áo dài đặc biệt, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn nhận những hiện vật quý khác, gồm 355 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nguyên phóng viên TTXVN và tập nhật ký của PGS.TS Nguyễn Thị Phượng, nguyên Phó Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội.
Bộ ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành ghi lại những hình ảnh về người phụ nữ trong thời bình, về cuộc sống đời thường của họ, vẻ đẹp quê hương đất nước Việt Nam... Ông cho biết: "Tôi có một tình cảm đặc biệt đối với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nó hơn cả mức yêu quý nên đã thôi thúc tôi tìm đến Bảo tàng. Vì vậy mặc dù đã tặng hàng trăm bức hình quý giá ghi lại chiến thắng của cả dân tộc về chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cho Bảo tàng, tôi vẫn tiếp tục muốn gửi gắm tài sản còn lại của mình vào nơi đây. Tôi tin rằng, với cách làm việc chuyên nghiệp, với uy tín của mình, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ trân trọng, lưu giữ và phát huy được giá trị của những bức hình đó".
Tập nhật ký của PGS,TS Nguyễn Thị Phượng, nguyên Phó Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội gồm ba cuốn từ năm 1960-1976, viết về cuộc sống thời là học sinh phổ thông, khi là sinh viên và thời gian công tác tại bệnh viện đại học Y Hà Nội. Bà giữ những cuốn nhật ký này đến nay để luôn nhớ về những kỷ niệm, lý tưởng sống của một thời tuổi trẻ. PGS, TS Nguyễn Thị Phượng cho rằng, nhật ký là những dòng ghi chép riêng của mỗi cá nhân, nhưng mang ý chí, lý tưởng của cả một thế hệ thanh niên thời bấy giờ. Khi được trao lại cho Bảo tàng, tập nhật ký sẽ trở thành tài sản Quốc gia, bà mong chúng sẽ phần nào giúp được thế hệ hôm nay hiểu được cuộc sống, suy nghĩ và lý tưởng của những thế hệ đi trước.
Những tác phẩm, những ký ức của cá nhân, khi mang hình ảnh chung của đất nước, của thế hệ, được lưu giữ và truyền nối, sẽ trở thành những di sản sống.