Trao học bổng, tặng quà cho học sinh khó khăn ở Gia Lai

NDO -

Ngày 23/3, Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai tổ chức trao học bổng và tặng quà tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Đắk Đoa (Gia Lai).

Ông Nguyễn Tấn Anh, Giám đốc điều hành và Huấn luyện viên Trưởng Kiatisuk trao quà tặng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Đắk Đoa.
Ông Nguyễn Tấn Anh, Giám đốc điều hành và Huấn luyện viên Trưởng Kiatisuk trao quà tặng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Đắk Đoa.

Tại đây, các thành viên của Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai đã giao lưu, trao tặng 10 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THPT Nguyễn Huệ với trị giá 20.000.000 đồng; 15 suất học bổng bằng tiền mặt cho các em học sinh của Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Đắk Đoa với tổng trị giá 30.000.000 đồng; tặng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Đắk Đoa, 10 chiếc ti-vi Samsung 50 inch, nhằm phục vụ tốt hơn công tác dạy, học trực tuyến và trực tiếp. Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tấn Anh, Giám đốc điều hành Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai cho biết: “Việc trao những phần quà và suất học bổng của Câu lạc bộ dành cho nhà trường và các em học sinh tiêu biểu với mong muốn mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội, giúp các em có thêm điều kiện sinh hoạt và học tập, qua đó, động viên các em cố gắng vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện bản thân, trở thành con ngoan, trò giỏi, có ích cho xã hội”.

Hiện nay, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Đắk Đoa có 144 học sinh là người dân tộc thiểu số đang theo học. Hầu hết những học sinh của trường có gia cảnh gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, để các em đến trường, ngoài sự cố gắng của gia đình, sự hỗ trợ của Nhà nước thì sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân là rất cần thiết và thiết thực để góp phần nâng bước cho các em đến trường.

Tại buổi giao lưu, thầy trò Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Đắk Đoa và Trường THPT Nguyễn Huệ cũng trao tặng Huấn luyện viên Kiatisak cùng các thành viên trong đoàn những chiếc áo thổ cẩm do người dân tộc thiểu số tại địa phương dệt may thành sản phẩm độc đáo.