Trao Giải thưởng văn học và Giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022

Ngày 15/2, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Văn học và Giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu.

Giải thưởng Văn học năm 2022 được trao cho 5 tác phẩm: Tiểu thuyết “Bửu Sơn Kỳ Hương” của Lý Lan (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh); các tập thơ: “Ngàn bài thơ khác” của Trần Lê Khánh (NXB Hội Nhà văn) và “Bóng của ý nghĩ” của Nguyễn Bảo Chân (NXB Thế giới); Tiểu thuyết “Hiệp sĩ thánh chiến” do Nguyễn Hữu Dũng dịch từ tác phẩm của tác giả Ba Lan Henryk Sienkiewicz (NXB Văn học); Văn học thiếu nhi: tập truyện dài “Thung lũng Đồng Vang” của Trung Sỹ (NXB Trẻ). Điều đáng tiếc là lĩnh vực lý luận, phê bình không có tác phẩm nào đoạt giải.

Với giải thưởng năm 2022 , Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận được 161 tác phẩm đề cử. Trong đó, văn xuôi chiếm 50 tác phẩm, thơ 61 tác phẩm, lý luận phê bình 14 công trình, văn học dịch 19 và văn học thiếu nhi là 17 tác phẩm. Như vậy, so với năm 2021, số lượng đề cử giảm khá nhiều (55 đầu tác phẩm), trong đó tập trung ở hai thể loại là thơ và văn xuôi. Hội đồng Sơ khảo các chuyên ngành đã đề cử lên Hội đồng Chung khảo 8 tác phẩm đạt số phiếu quá bán. Hội đồng Chung khảo dành hai ngày để đánh giá, phân tích, thảo luận kỹ lưỡng từng tác phẩm, sau đó bỏ phiếu quyết định chọn ra 5 tác phẩm để tôn vinh.

Trao Giải thưởng văn học và Giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022 ảnh 1

Các tác giả nhận Giải thưởng Văn học năm 2022.

Tiểu thuyết “Bửu Sơn Kỳ Hương” của nhà văn Lý Lan đạt được số phiếu đồng thuận tuyệt đối của Hội đồng Chung khảo để trao giải ở hạng mục văn xuôi. Tác phẩm lấy bối cảnh Nam Bộ tại điểm giao nhau giữa hai thế kỷ 19 và 20, để làm nền chính. Đây là thời kỳ đầy những biến cố. Qua sự chìm nổi của một gia tộc người Hoa trong hành trình hòa nhập với số phận người bản địa, tác giả đã dựng lại một cách hết sức sống động không khí của vùng đất lục tỉnh trước sự biến đổi mang tính bước ngoặt lịch sử. Về nghệ thuật, tiểu thuyết chọn con đường tự sự với giọng trần thuật dồi dào khí lực, hào sảng, gần gũi trong một cấu trúc tự nhiên, làm bật lên cá tính, phong cách của con người và nét văn hóa đặc sắc vùng Nam Bộ.

Về thơ, “Bóng của ý nghĩ” được đánh giá là tập thơ tràn đầy sự chân thành của rung cảm và nhận thức, thể hiện qua những suy tư về vị thế và thân phận một cá nhân trong tương quan với thế giới chung quanh. Tác giả có ý thức trong việc tiết giảm cảm xúc, chọn lọc hình ảnh, ngôn ngữ và hướng tới trường liên tưởng rộng.

Ở khía cạnh khác, cả tập “Ngàn bài thơ khác”, tác giả Trần Lê Khánh cho thấy sự trăn trở với hình thức biểu đạt của mình. Tập thơ có lượng bài khá lớn, nhưng ít gây cảm giác nặng nề vì số câu chữ trong mỗi bài hết sức tiết giảm. Với tập thơ này, ở những bài thực sự nổi trội, người đọc có thể nhận ra cách tiếp cận, cách nghĩ, cách cảm mang một tinh thần, một mỹ cảm riêng biệt. Ưu điểm trong tập thơ hứa hẹn con đường tiến về phía trước của tác giả khá rộng mở.

Ở hạng mục văn học dịch, tác phẩm “Hiệp sĩ thánh chiến” của văn hào Henryk Sienkiewicz do dịch giả Nguyễn Hữu Dũng chuyển ngữ là công trình dịch có chất lượng, bám sát và lột tả được tinh thần của tác phẩm với ngôn ngữ tiếng Việt sinh động, trau chuốt. Bộ tiểu thuyết dựng lại thời kỳ lịch sử trong đó liên minh Ba Lan - Litva chống lại cuộc bành trướng của dòng tu Giáo đoàn Thánh chiến. Đây được coi là tiểu thuyết sử thi lớn nhất của văn học Ba Lan.

Thể loại văn học thiếu nhi, tác phẩm “Thung lũng Đồng Vang” được viết hết sức sinh động, trong trẻo về thiên nhiên, muông thú, cũng như những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của một vùng đất đan xen cộng đồng các dân tộc Việt Nam anh em. Văn phong của tác phẩm có duyên, nhẹ nhàng nhưng cũng giàu cảm xúc, không chỉ phù hợp với tâm lý tiếp nhận của bạn đọc trẻ mà chắc hẳn sẽ chinh phục được mọi lứa tuổi người đọc khác nhau.

Giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022 được trao cho hai nhà văn Nguyễn Bích Lan (Hà Nội) và Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận). Hai nhà văn nữ đều có chung hoàn cảnh bị bệnh tật từ nhỏ, đều tự học và vươn lên trong nghịch cảnh và có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Nhà văn Nguyễn Bích Lan đã có 52 đầu sách dịch, có 4 tác phẩm viết cho thiếu nhi. Chị đã nhận được giải thưởng dịch thuật của Hội nhà văn Việt Nam (2010) và giải sách quốc gia 2020. Đặc biệt hai năm qua, ngoài dịch và viết sách chị còn xây dựng được 5 tủ sách cho các địa điểm khó khăn tại Đắk Nông, tổ chức chương trình “đọc sách cho con” cho 30 gia đình, giới thiệu 45 đầu sách dành cho thanh niên...

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa đã xuất bản 14 đầu sách trong đó có 7 cuốn cho thiếu nhi và nhận được nhiều giải thưởng văn học (Giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2013-2014; giải Nhất Cuộc vận động sáng tác Văn học thiếu nhi Việt Nam-Đan Mạch năm 2013-2015…). Chị được nhận được bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2015 và được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 20 người phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021. Hai nhà nữ là minh chứng cho ý chí không bao giờ gục ngã trước những thách thức của số phận và chính các chị mang đến cho chúng ta niềm tin yêu và những giá trị đích thực của cuộc sống.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, văn bản nghệ thuật là những “đa văn bản”. Nhà văn sáng tạo nên, và còn đời sống của nó lại phụ thuộc ở bạn đọc. Năm nay, các Hội đồng đã làm việc nghiêm túc, có tranh luận, có ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng đã suy nghĩ, quyết định bỏ phiếu để chọn ra tác phẩm xứng đáng một cách minh bạch. Điều đáng mừng là các tác phẩm đều hướng về ánh sáng, nhân tính, tốt đẹp... mang đến vẻ đẹp, sự phát hiện, giọng nói mới… để cùng khám phá, lan tỏa giá trị đời sống, như câu nói của người dân làng Chùa-một ngôi làng yêu thơ ca: “Cây đơm hoa bởi rễ mang hoa”.