Cuốn sách Đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ (do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành) có độ dày 552 trang, được bố cục thành 2 phần với 4 chương.
Trong khuôn khổ công trình nghiên cứu của mình, hai tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung đã đưa nhiều tài liệu lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng về lịch sử vùng đất Sài Gòn-Gia Định từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, thiết lập chủ quyền của Đàng Trong tại vùng đất phía nam (năm 1698) cho đến năm 1945; và các chương trình quy hoạch phát triển thành phố, cùng với các công trình kiến trúc tiêu biểu do người Pháp xây dựng tại đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn từ cách nay hơn một thế kỷ.
Theo Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu, đây là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc; cung cấp nhiều tài liệu có giá trị tham khảo cao, nhất là nguồn tài liệu lưu trữ, cho tất cả những ai quan tâm đến việc thu thập tri thức và thông tin đáng tin cậy về lịch sử vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn trước năm 1945, nhất là dưới thời Pháp thuộc.
Đối chiếu với các tiêu chí để xét trao Giải thưởng Trần Văn Giàu, tác phẩm Đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ tuy chưa có được dung lượng đồ sộ như các công trình được trao giải gần đây; đồng thời, không thể tránh khỏi một số hạn chế và thiếu sót; nhưng để khuyến khích nỗ lực nghiên cứu của các tác giả trẻ, mặt khác để góp phần giới thiệu và phát huy giá trị nguồn tài liệu lưu trữ phục vụ nghiên cứu, Ủy ban Giải thưởng quyết định trao Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 12-năm 2024 cho tác phẩm Đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Lễ trao giải. |
Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi mong muốn Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu sẽ mở rộng địa bàn nhằm giới thiệu Giải thưởng đến các tổ chức, nhà nghiên cứu trên phạm vi cả nước có công trình nghiên cứu về Nam Bộ trên lĩnh vực lịch sử, tư tưởng- tôn giáo- tín ngưỡng, qua đó tìm được những công trình nghiên cứu có giá trị tham gia đăng ký xét giải cho các năm tới.
Bên cạnh đó, Ủy ban Giải thưởng cùng các ban ngành có liên quan cần tìm ra cách thức làm sao để các công trình nghiên cứu về Nam bộ, Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có các công trình nhận giải Trần Văn Giàu tiếp tục phát huy giá trị trong hoạch định chiến lược xây dựng, phát triển thành phố, trong hoạt động kinh tế-văn hóa- xã hội ở thành phố và vùng Nam Bộ.
Được biết, trong thời gian tới Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá Giải thưởng, trên cơ sở đó phát hiện và tạo điều kiện cho những đề tài đáp ứng được tiêu chí của Giải thưởng Trần Văn Giàu tham gia đăng ký xét giải; đặc biệt là các công trình nghiên cứu chuyên sâu về tư tưởng-tôn giáo-tín ngưỡng trên địa bàn Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ-mảng đề tài rất quan trọng và thú vị mà từ trước đến nay chưa tìm được công trình phù hợp để trao tặng Giải thưởng.
Bìa cuốn sách “Đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ”. |
Giải thưởng Trần Văn Giàu ra đời năm 2002, từ tâm nguyện của giáo sư Trần Văn Giàu về việc thành lập một giải thưởng khoa học dành cho các công trình nghiên cứu về lịch sử và lịch sử tư tưởng ở khu vực Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Các tác phẩm được trao Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu là những công trình nghiên cứu có chất lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo tốt và có sức lan tỏa rộng rãi.
Trước đó vào năm 2023, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã có tác phẩm “Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh dặm dài lịch sử (1698-2020)” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng nhận được Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 11.