Năm nay, có 6 tiến sĩ được trao giải thưởng sử học cao quý này. Giải Nhất được dành cho luận án "Hoạt động khai thác mỏ của người nước ngoài ở miền bắc Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX" của Tiến sĩ Trần Xuân Thanh (Trung tâm Biển và hải đảo, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Hai giải Nhì dành cho luận án "Vai trò của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam từ năm 1960 đến năm 1975" của Tiến sĩ Lưu Thị Bích Ngọc (Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an) và luận án "Chợ ở tỉnh Nam Định từ năm 1831 đến năm 1890" của Tiến sĩ Bùi Văn Huỳnh (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Ba giải Ba thuộc về các luận án: "Quan hệ Nhật Bản-Việt Nam giai đoạn 2002 - 2018" của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Học viện Chính trị Khu vực III); "Quan hệ Nhật Bản-Việt Nam (1954-1975)" của Tiến sĩ Nguyễn Vũ Kỳ (Khoa Nhật Bản học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và luận án "Nông trường quốc doanh ở miền bắc Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1975" của Tiến sĩ Phạm Thị Vượng (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Giải thưởng Phạm Thận Duật ra đời từ năm 2000 với sự tài trợ của Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật và trở thành giải thưởng đầu tiên trong lĩnh vực sử học của Việt Nam. Đây cũng là giải thưởng chính thức và duy nhất của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.
Tiến sĩ Trần Xuân Thanh giành giải nhất. |
Danh nhân Phạm Thận Duật là một nhà sử học, một chí sĩ yêu nước, một nhà văn hóa và một tầm vóc khoa học của Việt Nam trong thế kỷ thứ XIX.
Phạm Thận Duật (1825-1885) là người thôn Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Năm 1850, sau khi thi đỗ cử nhân, ông ra làm quan với chức Giáo thụ phủ Đoan Hùng rồi làm Tri châu Tuần Giáo. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ dưới triều vua Tự Đức trong các lĩnh vực đa dạng, từ chính trị, kinh tế, thủy lợi đến ngoại giao hay quốc phòng.
Năm 1885, khi Pháp chiếm kinh thành Huế, Phạm Thận Duật cùng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị, sau đó nhận lệnh vua Hàm Nghi thảo chiếu Cần Vương kêu gọi các sĩ phu và nhân dân đứng lên chống Pháp. Vua Hàm Nghi phong Phạm Thận Duật là Khâm sai đại thần và cử ra bắc để chiêu tập nghĩa sĩ. Trên đường đi, ông bị Pháp bắt đưa đi tù ở Côn Đảo. Ngày 29/11/1885, trên đường từ Côn Đảo đến đảo Tahiti, ông đã hy sinh trên đường đi đày.
Danh nhân Phạm Thận Duật đã có nhiều tác phẩm thuộc các thể loại thơ văn, nhật ký, tấu tập và địa chí có nhiều giá trị như: Hưng Hóa ký lược, Quan Thành văn tập, Vãng sứ Thiên Tân nhật ký, Quan Thành tấu tập, Hà đê tấu tập, Hà đê bộ văn tập, Hà đê tấu tư tập, Điều trần đề chính trị nghị tập.
Với chức vị Phó tổng tài Quốc sử quán Triều Nguyễn, Phạm Thận Duật từng được vua Tự Đức giao trọng trách tổng duyệt bộ quốc sử "Khâm định Việt Sử thông giám cương mục", bộ sử chính thức của triều đại nhà Nguyễn và phụ trách chỉnh sửa phần "Dực Tông Anh hoàng đế thực lục chính biên" trong bộ "Đại Nam thực lục đệ tứ kỷ".
Cũng tại lễ trao giải, các học giả đã giới thiệu cuốn sách "Phạm Thận Duật trong dòng chảy lịch sử Việt Nam" do GIáo sư Vũ Minh Giang chủ biên. Giáo sư Vũ Minh Giang cho biết, sách gồm các nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của danh nhân Phạm Thận Duật, cũng như những nghiên cứu về ông trong những góc nhìn ngoại giao, chính trị, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, dân tộc, cũng như việc bảo tồn, phát huy giá trị của những di sản ông để lại.
Sách cũng đưa ra niên biểu Phạm Thận Duật và một số tác phẩm tiêu biểu của ông, đồng thời cung cấp một số châu bản tiêu biểu về danh nhân Phạm Thận Duật.