Danh nhân Phạm Thận Duật và một Việt Nam nằm giữa các đường biên

NDO -

Những nghiên cứu mới về cuốn “Hưng Hóa Địa chí” của danh nhân Phạm Thận Duật của các học giả phương tây đã làm rõ hơn về những đóng góp của ông với việc nghiên cứu Việt Nam từ nhiều góc độ, khẳng định ông là một nhà văn hóa đa diện.

Tọa đàm khoa học “Phạm Thận Duật và một Việt Nam nằm giữa các đường biên”.
Tọa đàm khoa học “Phạm Thận Duật và một Việt Nam nằm giữa các đường biên”.

Ngày 29-11, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật cùng với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm và Tọa đàm khoa học “Phạm Thận Duật và một Việt Nam nằm giữa các đường biên” trong dịp kỷ niệm 135 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật - nhà sử học, nhà văn hóa lớn của thế kỷ XIX. Nhân dịp này, Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật cũng được trao cho những luận án Tiến sĩ khoa học lịch sử xuất sắc nhất trong năm qua.

Một nhà văn hóa đa diện, một vị quan thanh liêm và thương dân

Phạm Thận Duật sinh ngày 4-11-1825, ở làng Yên Mô thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống nối đời Nho học, ngay từ nhỏ, Phạm Thận Duật đã thể hiện sự thông minh hiếu học. Ông là học trò xuất sắc của hai danh sĩ Vũ Phạm Khải và Phạm Văn Nghị. Năm 1850, ông đỗ cử nhân và ra làm quan với chức Giáo thụ phủ Đoan Hùng rồi làm Tri châu Tuần Giáo. Chỉ trong vòng hai năm, Phạm Thận Duật đã biên soạn xong “Hưng Hóa ký lược” - cuốn địa phương chí tiêu biểu và có nhiều giá trị về vùng tây bắc. Tác giả có vốn hiểu biết căn bản và vững chắc của một nhà Nho học nhưng “Hưng Hóa ký lược” vừa mang đậm chất kinh sử, vừa mang đậm bản sắc dân tộc.

GS Philippe Le Failler, Trưởng đại diện Viện Viễn đông bác cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO) đã rất ngạc nhiên khi đọc “Hưng Hóa ký lược”, mới được dịch toàn văn và công bố lần đầu tiên tại Việt Nam, vì ông thấy ở tác phẩm này hai câu chuyện cùng được diễn giải: Cách nhìn quan phương của một vị quan đại diện triều đình và những tri thức bản địa gắn với từng địa phương được khảo cứu rất kỹ. Cùng với đó là những ghi chép về địa hình, khí hậu, sinh học, dân tộc học (như cách gọi của khoa học hiện đại).

TS Vũ Đức Liêm (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, theo thống kê của ông: Tỷ lệ trích dẫn theo nguồn gốc ở Hưng hóa địa chí là 33,3% của Trung Quốc và 66,7% là tư liệu của Việt Nam. Và trong tác phẩm của Phạm Thận Duật còn thấy hình ảnh của “nhiều Việt Nam khác” ngoài Việt Nam nhìn “từ cánh đồng lúa” và “nhìn qua cửa sổ cung đình”. Đó là một Việt Nam đa dạng của các tộc người cộng cư với nhiều ngôn ngữ, phong tục tập quán, một Việt Nam với “tư cách văn hóa” của riêng mình. Sự nghiệp của Phạm Thận Duật còn để lại trên nhiều mặt hoạt động: giáo dục, sử học, khảo cứu sưu tầm, chính trị, ngoại giao, hình luật, kinh tế… với các tác phẩm có giá trị như: “Vãng sứ Thiên Tân nhật ký”, “Quan Thành tấu tập”. Những bài thơ, câu đối, văn tế và một số bài văn bia của ông để lại trong “Quan Thành văn tập” bộc lộ tấm lòng yêu nước, tâm hồn, nhân cách của một trí thức uyên bác với cái nhìn nhân văn.

Phạm Thận Duật từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Tuần phủ Hà Nội, Tuần phủ Bắc Ninh, Hộ lý Tổng đốc Bắc Ninh - Thái Nguyên, Khâm sai hà đê sứ phụ trách trị thủy sáu tỉnh vùng tả ngạn sông Hồng, Phó Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc Tử Giám, Cơ mật viện đại thần... Tuy vậy, Phạm Thân Duật vẫn sống rất thanh liêm. Ông để lại tấm gương cho hậu thế trước hết ở tinh thần trọng dân và thương dân, lo cho dân. Điều này thể hiện rõ trong các kiến nghị của Phạm Thận Duật khi làm Khâm sai Hà đê sứ, chỉ huy việc trị thủy tả ngạn sông Hồng đã không cho phá đê ở nhiều khu vực mà cho bồi đắp đê nhỏ, gia cố các đê ngăn mặn, giữ được mùa màng cho nhân dân. Ông còn kiến nghị triều đình miễn thuế, cứu trợ cho vùng lụt để giảm bớt gánh nặng cho dân. Sáu năm Phạm Thận Duật trị nhậm ở vùng “rừng thiêng nước độc” Đoan Hùng - Tuần Giáo, ông đã gần dân, lo cho dân được yên ổn làm ăn, ít nhiều được học hành và thoát cảnh quan lại tham nhũng. Dân quý và kính nể, tôn ông là “thần”.

Người chấp bút soạn chiếu Cần vương

Là Phó Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc Tử Giám, Phạm Thận Duật đã được giao trọng trách tổng kiểm duyệt bộ chính sử lớn nhất triều Nguyễn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Ông còn được triều đình giao sửa lại bộ sách “Đại Nam thực lục - Đệ tứ kỷ” ghi lại các sự kiện lịch sử dưới triều Tự Đức.

Khi đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm, vốn chỉ là một văn quan song Phạm Thận Duật đã có nhiều kiến nghị về việc củng cố và xây dựng thêm các đồn phòng thủ ở các nơi hiểm yếu, tăng cường phương tiện ngăn sông chặn tàu giặc. Ông là trợ thủ tâm phúc của Tôn Thất Thuyết, là “cố mệnh đại thần” đưa vua Hàm Nghi lên ngôi. Sau khi “kinh đô thất thủ” (ngày 5-7-1885), ông cùng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị. Phạm Thận Duật cũng là người đã chấp bút soạn Chiếu Cần vương để vua Hàm Nghi kêu gọi nhân dân đứng lên kháng chiến chống xâm lược.

Trên đường ra bắc chiêu tập nghĩa sĩ, ông bị Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Ông mất ngày 29-11-1885, trên đường bị đày từ Côn Đảo sang Tahiti. 

Sáu luận án tiến sĩ sử học xuất sắc nhất đã được trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật trong lễ tưởng niệm 135 năm mất của ông. Luận án “Y tế phương tây ở Bắc kỳ từ năm 1873 đến năm 1945” của TS Bùi Thị Hà (Viện Sử học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận giải Nhất. Luận án “Vấn đề biên giới Ấn Độ - Trung Quốc giai đoạn 1950 - 2014” của TS Huỳnh Thanh Loan (Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận giải Nhì. Nhận giải Ba là các luận án: “Quá trình phát triển kinh tế xã hội của Cộng hòa liên bang Đức 1990 - 2015” của TS Nguyễn Thị Nga (Đại học Sư phạm Hà Nội 2); “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2016” của TS Nguyên Thị Hồng Miên (Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên), “Giáo dục và khoa cử Nho học Đại Việt thế kỷ XVII - XVIII” của TS Trịnh Thị Hà (Viện Sử học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), “Các nguồn sử liệu về quy mô và cấu trúc Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê” của TS Nguyễn Quang Hà (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội). Đây là lần thứ 21 giải thưởng sử học danh giá này được trao kể từ năm 2000.