Giải thưởng mang tên nhà sử học yêu nước, nhà văn hóa đa diện
Phạm Thận Duật (1825 - 1885) là người thôn Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ông đỗ cử nhân năm 1850 và nhậm chức Giáo thụ phủ Đoan Hùng rồi làm Tri châu Tuần Giáo. Phạm Thận Duật đã đảm nhiệm nhiều trọng trách trong các lĩnh vực đa dạng, từ chính trị, kinh tế, thủy lợi đến ngoại giao hay quốc phòng.
Năm 1885, ông cùng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị, thảo chiếu Cần Vương kêu gọi các sĩ phu và nhân dân đứng lên chống Pháp. Phạm Thận Duật bị Pháp bắt khi vua Hàm Nghi cử ông là Khâm sai đại thần ra bắc để chiêu tập nghĩa sĩ Cần vương. Ngày 29/11/1885, trên đường bị Pháp lưu đày từ Côn Đảo đến đảo Tahiti, ông đã hy sinh trên biển.
Phạm Thận Duật để lại các tác phẩm thuộc nhiều thể loại và có nhiều giá trị (Hưng Hóa ký lược, Quan Thành văn tập, Vãng sứ Thiên Tân nhật ký, Quan Thành tấu tập, Hà đê tấu tập, Hà đê bộ văn tập, Hà đê tấu tư tập, Điều trần đê chính trị nghị tập…).
Ông từng giữ chức Phó tổng tài Quốc sử quán Triều Nguyễn, được vua Tự Đức giao trọng trách tổng duyệt bộ quốc sử Khâm định Việt Sử thông giám cương mục, bộ sử chính thức của triều đại nhà Nguyễn, và phụ trách chỉnh sửa bộ Đại Nam thực lục đệ tứ kỷ.
Hậu thế cũng đánh giá Phạm Thận Duật là một nhà dân tộc học (theo ngôn ngữ hiện đại) tầm cỡ với những phát hiện quan trọng, trong cách ông trình bày, ghi chép các tri thức thu thập được trong quá trình điền dã, hay các khám phá về địa hình, khí hậu, ngôn ngữ, văn hóa, tập tục, tín ngưỡng, phương thức canh tác hay lối sống của các tộc người ở khu vực vùng cao phía bắc Việt Nam.
Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 22
Trong mùa giải thứ 22, sáu luận án tiến sĩ sử học xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật. Đây là những luận án tiến sĩ đã được bảo vệ cấp Nhà nước đạt kết quả xuất sắc và đã được các cơ sở đào tạo thẩm định trước khi gửi đến Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật để Hội đồng chấm giải của Quỹ “chấm” (với những tiêu chuẩn khắt khe hơn) một lần nữa trước khi trao giải.
Luận án “Giáo dục miền Nam Việt Nam dưới thời chính quyền Sài Gòn” của TS Nguyễn Kim Dung (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã vinh dự nhận giải Nhất. Hai giải nhì được trao cho Luận án “Y tế dân sự ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975” của TS Nguyễn Thị Dung Huyền (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Luận án “Hoạt động khai thác và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954-1975) của TS Lưu Anh Rô (Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng).
Ba giải ba được trao cho các luận án: “Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016” của TS Nguyễn Thu Hạnh (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975” của TS Lê Văn Phong (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), “Thành Thăng Long – Hà Nội (1802-1897)” của TS Công Phương Khương (Phòng Lịch sử Nghệ thuật quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam).
PGS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, đánh giá cao chất lượng và nội dung của các luận án tiến sĩ được trao giải năm nay, đặc biệt các nghiên cứu sinh và các cơ sở đào tạo đã rất nỗ lực vượt qua được nhiều khó khăn vì tác động ảnh hưởng của dịch bệnh.
PGS Trần Đức Cường chia sẻ: “Những luận án đã chọn được đề tài nghiên cứu tốt và đã có những thành quả nghiên cứu tốt. Có những đề tài trước đây chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu nhưng các tân tiến sĩ đã “dũng cảm” nghiên cứu để có những đóng góp cho một cái nhìn lịch sử khách quan và khoa học - như nghiên cứu về “Y tế dân sự ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975” có thể làm sáng rõ tính ưu việt của chế độ chúng ta xây dựng; nghiên cứu về “Giáo dục miền Nam Việt Nam dưới thời chính quyền Sài Gòn” cho chúng ta cái nhìn về một mảng lịch sử chúng ta còn chưa đầu tư nghiên cứu; hoặc nghiên cứu về “Hoạt động khai thác và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954-1975) lại chứng minh về tính liên tục trong khai thác và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, chứng minh chủ quyền không thể phủ nhận của Việt Nam với quần đảo này, dù được quản lý và khai thác trong thời kỳ lịch sử nào, dưới bộ máy chính quyền nào…”.