Giải nhất năm nay được trao cho TS Dương Hà Hiếu (Đại học Tây Bắc) với luận án Cù lao Ré - Quê hương của đội Hoàng Sa (từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX. Hai giải nhì được trao cho các luận án của TS Hoàng Thúy Quỳnh (Viện Khảo cổ học) Kỹ thuật chế tạo gốm Sa Huỳnh ở miền trung Việt Nam và TS Đinh Thùy Hiên (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH và NV) Hà Nội) Nguồn sử liệu hương ước Thăng Long - Hà Nội trước năm 1945. Ba giải ba được trao cho các TS Bùi Hữu Tiến (Bảo tàng Nhân học, Đại học KHXH và NV Hà Nội) với luận án Văn hóa Đồng Đậu và vị trí của nó trong thời đại đồng thau ở lưu vực sông Hồng; TS Đặng Thị Minh Phượng (Đại học KHXH và NV thành phố Hồ Chí Minh) với luận án Đảng vận động trí thức đấu tranh giải phóng dân tộc từ năm 1930 đến năm 1945 và TS Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Đại học Sư phạm Hà Nội 2) với luận án Quá trình di cư và hoạt động chính trị - xã hội của người Việt ở Lào từ năm 1893 đến năm 1945.
GS Phan Huy Lê trao giải nhất cho TS Dương Hà Hiếu.
Danh nhân Phạm Thận Duật sinh ngày 4-11-1825 tại thôn Yên Mô Thượng (nay thuộc xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Phạm Thận Duật là nhà sử học lớn, tổng duyệt bộ chính sử đồ sộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Ông còn là nhà văn hóa, nhà thủy lợi tài năng. Phạm Thận Duật mang tinh thần yêu nước mạnh mẽ đã góp phần tích cực khởi động phong trào Cần Vương chống xâm lược cuối thế kỷ XIX. Ông hy sinh trên biển ngày 29-11-1885 khi bị thực dân Pháp bắt đi đày biệt xứ.
Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật thành lập ngày 15-8-2000 với mục đích góp phần động viên, khuyến khích phát triển sử học Việt Nam. Đến nay đã có 92 luận án tiến sĩ lịch sử xuất sắc được vinh danh. Quỹ còn trao học bổng, giải thưởng khuyến học cho các học sinh nghèo vượt khó, các học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh và tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.