Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Cuộc thi chưa quy tụ được đầy đủ các đơn vị nghệ thuật có bề dày hoạt động nghệ thuật cải lương trong cả nước tham gia, đây là điều đáng tiếc, đòi hỏi các đơn vị cùng các cơ quan chức năng cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để phát hiện, đào tạo, giữ được diễn viên trẻ yên tâm làm nghề và phát triển tài năng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý tại cuộc thi lần này là số lượng tham gia đông đảo của đội ngũ diễn viên trẻ, cũng như sự có mặt của các đơn vị ngoài công lập.
Các trích đoạn về cơ bản đã được dàn dựng kỹ càng, công phu, có sự đầu tư về nghệ thuật và kỹ năng biểu diễn, cho thấy lòng say mê nghề nghiệp của các nghệ sĩ trẻ, giúp chúng ta có thêm niềm tin vào lớp nghệ sĩ kế cận cũng như những giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và của nghệ thuật cải lương nói riêng trong đời sống xã hội hôm nay.
Ở vai trò Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, NSƯT Lê Chức đánh giá: Tính chuyên nghiệp trong các yếu tố tổng hợp của nghệ thuật sân khấu nói chung, cải lương nói riêng luôn bộc lộ rất rõ trong mỗi bài thi, từ cấu trúc câu chuyện đến những mâu thuẫn, xung đột của nội tâm nhân vật và cả hình thái đối đầu về quyền lực, quyền lợi, về lòng trung quân ái quốc, yêu nước thương nòi, kiên trung với lý tưởng cách mạng, đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, tệ tham ô tham nhũng, đánh mất niềm tin, tệ nạn xã hội… điều đó còn thể hiện trách nhiệm công dân - nghệ sĩ trước cuộc sống”.
Điều đáng mừng nữa là ở cuộc thi này đã có được những “bản diễn” khác nhau của một vài bài thi làm phong phú hơn ý định sáng tạo, tạo cho diễn viên hào hứng trong việc thể hiện vai diễn tưởng như đã cũ. Trang trí, trang phục, đạo cụ, vũ đạo, vũ bộ tay không, hóa trang, cùng ánh sáng và kỹ thuật âm thanh tham gia ở các mức độ hiệu quả khác nhau tạo nên sự nhất quán trong sáng tạo hình tượng vai diễn dự thi để bộc lộ khả năng và nhất là tài năng của mỗi thí sinh.
Tuy nhiên, NSƯT Lê Chức cũng chỉ ra những hạn chế của cuộc thi, đó là khoảng cách về tuổi đến trí - lực, vóc dáng của các nhân vật so diễn viên có trường hợp còn chưa thật sự hài hòa, dẫn đến hạn chế trong thể hiện chiều sâu tâm trạng nhân vật. Bên cạnh đó, vẫn còn đâu đó những câu chữ chưa được chọn lọc kỹ càng, làm cho cứng lời ca, làm cho diễn viên thi phải đổi cách hát chưa hợp lý… Trên cơ sở đó, Hội đồng Giám khảo đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có những lớp hoặc đầu tư cho việc mở các lớp tập huấn chuyên môn cho các diễn viên trẻ về: Ca - vũ đạo - năng lực để khắc phục những hạn chế. Từng đơn vị nghệ thuật nên cố gắng tổ chức cho các diễn viên được ở lại xem các bài thi của nhau để tăng cường học hỏi.
Chung cuộc, Ban Tổ chức trao 6 Huy chương Vàng cho các thí sinh: Nguyễn Thị Luận (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, vai Diệu trong trích đoạn Thời con gái đã xa); Nguyễn Hoài Thanh (Nhà hát Thế giới trẻ, Trường đại học Sân khấu, Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, vai Hồ Nguyệt cô trong trích đoạn Người Cáo); Nguyễn Thị Thủy (Nhà hát Cải lương Việt Nam, vai Đát Kỷ trong trích đoạn Khát vọng Đát Kỷ); Nguyễn Thị Kỷ (Huyền Trân) (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, vai Trần Thị Dung trong trích đoạn Dấu ấn giao thời); Nguyễn Thị Thu Mỹ (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Long An, vai Mị Cơ trong trích đoạn Mưu kế Mị Cơ); Nguyễn Phước Dư (Khánh Dư) (Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, vai Trần Bình Trọng trong trích đoạn Khí tiết Trần Bình Trọng).
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng trao 18 Huy chương Bạc cho các diễn viên xuất sắc; một Giải Diễn viên trẻ nhất cho diễn viên Lê Hồng Giang (Đoàn Cải lương Hương Tràm tỉnh Cà Mau, vai Bé Hiếu trích đoạn Tình phụ tử); một Giải Diễn viên triển vọng cho diễn viên Đỗ Thị Ngọc Gấm (Nhà hát Thế giới trẻ, Trường đại học Sân khấu, Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, vai Thị Mầu trong trích đoạn Thị Mầu bỏ con).