Bệnh bại não khiến Đ.T.V. khuyết tật vận động và nói chuyện khó khăn. Khi còn là sinh viên năm thứ tư ngành Bảo hiểm, V. “gõ cửa” Trung tâm Nghiên cứu phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) tại thành phố Thủ Đức nhờ giúp đỡ. Thời điểm đó, khi chương trình học sắp kết thúc, thay vì vui mừng như bạn bè đồng trang lứa, V. lại cảm thấy hoang mang vì không biết sẽ làm gì, kiếm việc như thế nào. V. chia sẻ, sở dĩ em chọn theo ngành Bảo hiểm phần vì gia đình mong muốn, phần vì chi phí rẻ, đỡ gánh nặng kinh tế.
Thế nhưng, sau khóa thực tập, V. nhận ra bản thân không phù hợp với ngành này. Sau khi được tư vấn kỹ, V. quyết định đăng ký khóa học Digital Marketing và Thiết kế website tại DRD. Hoàn thành hai khóa học, V. xác định rõ bản thân muốn đi theo ngành Marketing. Vài lần thực tập, thử việc chưa thật sự hiệu quả, V. quyết định dành thời gian bổ sung thêm kiến thức và trau dồi kỹ năng.
Về sau, DRD giới thiệu và kết nối V. với học bổng “Tôi có 1 ước mơ” của Trung tâm VTC Academy chuyên ngành Digital Marketing. Khóa học kéo dài 18 tháng này đã giúp V. thay đổi rất nhiều. Kiên trì bổ sung kiến thức chuyên môn và tiếp tục tham gia các khóa học đào tạo kỹ năng nghề do DRD tổ chức, V. tiến bộ nhanh chóng. Cách đây khoảng 8 tháng, DRD đã giới thiệu V. công việc chuyên viên truyền thông của Công ty G. Hiện tại, V. đang công tác tốt tại công ty, đồng thời tích cực hỗ trợ xây dựng nhóm Đào tạo và Việc làm cho người khuyết tật.
Trong 17 năm qua, DRD đã tiến hành đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 4.000 người khuyết tật, tư vấn hướng nghiệp cho 5.000 người khuyết tật, tư vấn việc làm cho 8.500 người khuyết tật và kết nối việc làm thành công cho 3.400 người khuyết tật. Tuy nhiên, đây vẫn là con số nhỏ nhoi so với tỷ lệ hơn 68% người khuyết tật không có việc làm tại nước ta hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển năng lực người khuyết tật, sở dĩ nhiều người khuyết tật thất nghiệp là do chưa khắc phục được các mặt hạn chế. Hạn chế lớn nhất là về cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo dẫn đến thiếu trình độ, chuyên môn kỹ thuật và bằng cấp, rất khó đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, còn hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin doanh nghiệp, các nguồn lực hỗ trợ việc làm, phương tiện giao thông, nhà trọ, dụng cụ hỗ trợ di chuyển, học tập và làm việc… Nhưng yếu tố đáng ngại nhất vẫn là tâm lý muốn được ưu tiên cùng cách đánh giá thấp bản thân, mặc cảm, tự ti cho nên chưa tự tin tham gia học nghề.
Ông Cử cho rằng, thay vì thụ động chờ hỗ trợ, tự thân từng người khuyết tật nên có những kế hoạch cho riêng mình. “Người khuyết tật cần tham gia vào quá trình tư vấn hướng nghiệp để lựa chọn được ngành nghề phù hợp với dạng tật, năng lực, sở thích và tính cách. Cùng với đó là việc tích cực xây dựng mạng lưới nghề nghiệp cho bản thân. Chúng ta cần tìm cách tăng trình độ, chuyên môn kỹ thuật, bằng cấp để tham gia thị trường lao động một cách đầy đủ và bình đẳng”, ông Cử gợi ý.
Là tổ chức có hơn 70% nhân sự là người khuyết tật, bên cạnh việc nỗ lực tăng trưởng doanh thu, những người điều hành doanh nghiệp xã hội Hali Care (Quận 1) còn tập trung thiết kế môi trường làm việc thân thiện giúp nhiều người khuyết tật tự tin thể hiện ước mơ tưởng chừng như không thể. Bà Trương Thị Hồng Nhung, Giám đốc điều hành Hali Care cho biết: Không chỉ tự tạo ra thu nhập trang trải cuộc sống, rất nhiều nhân sự tại đây đã mạnh dạn bày tỏ ước mơ rồi từng bước thực hiện. Tại Hali Care việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân viên luôn được chú trọng. Họ muốn tạo động lực để những người khuyết tật chứng tỏ năng lực và sự tự tin, kiên trì của bản thân.
Như chuyện một nhân viên mát-xa khiếm thị sau vài tháng được công ty hỗ trợ đã tạo ra video TikTok đạt 3,5 triệu lượt xem, từng bước hiện thực hóa ước mơ trở thành một người chơi TikTok nổi tiếng. Hay một giám đốc sáng tạo khuyết tật vận động đang nuôi ước mơ trở thành người khuyết tật đầu tiên có thể phát triển một nhóm thiết kế 3D đầu tiên của Việt Nam do người khuyết tật vận hành với 100% nhân sự là người khuyết tật. “Yếu tố tiên quyết để người khuyết tật hòa nhập và cống hiến là tư duy. Tư duy ở đây bao gồm cả việc làm sao để các bạn vượt lên mặc cảm, nỗi sợ, trở thành người tự tin. Chúng tôi ngoài đào tạo về kỹ năng cứng, kỹ năng mềm còn tập trung vào việc giúp các bạn mở ra những góc nhìn khác và bày tỏ ước mơ”, bà Nhung cho biết thêm.