Tránh đổ vỡ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính mới đây đã tiếp tục phát đi khuyến cáo các biện pháp tránh đổ vỡ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ðây là một trong những động thái của cơ quan quản lý tài chính đối với thị trường huy động vốn quan trọng, và lần này, đã có sự can thiệp sâu hơn của quy định có hiệu lực pháp lý cao, thể hiện quyết tâm đưa thị trường TPDN tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Nghiên cứu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh QUANG MINH)
Nghiên cứu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh QUANG MINH)

Với việc hoàn thiện khung pháp lý và triển khai đồng bộ các giải pháp này, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua đã có bước phát triển nhanh để từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2021, thị trường TPDN là cấu phần có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường tài chính, với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 đến nay là 40%/năm. Quy mô thị trường đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP. Trong bảy tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã huy động gần 290 nghìn tỷ đồng TPDN, tương đương khối lượng phát hành cùng kỳ năm 2021.

Hỗ trợ các tổ chức tín dụng giữ an toàn dòng vốn

Theo Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Ðức Chi, thời gian qua, điều nhìn thấy rõ ràng nhất là thị trường TPDN phát triển đã hỗ trợ việc dịch chuyển dòng vốn trên thị trường tài chính. Theo đó, các doanh nghiệp đã bước đầu tăng huy động vốn từ phát hành trái phiếu bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện để thực hiện việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn của hệ thống. Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay các tổ chức tín dụng cũng đã huy động trên 500 nghìn tỷ đồng từ phát hành trái phiếu để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn, hỗ trợ đắc lực cho quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Việc phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu cũng tạo ra một kênh đầu tư mới thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư cho đầu tư dài hạn bên cạnh kênh gửi tiền tiết kiệm hoặc đầu tư vào các kênh có tính đầu cơ như vàng, bất động sản.

Việc phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu cũng tạo ra một kênh đầu tư mới thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư cho đầu tư dài hạn bên cạnh kênh gửi tiền tiết kiệm hoặc đầu tư vào các kênh có tính đầu cơ như vàng, bất động sản.

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Ðức Chi

Ðể phát triển thị trường huy động vốn quan trọng này, ngay từ năm 1994, Chính phủ đã ban hành Quy chế tạm thời về phát hành trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp không có phân biệt giữa chào bán ra công chúng và chào bán riêng lẻ mà bắt đầu từ năm 2005, việc phát hành TPDN mới được luật hóa với Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, chính thức phát hành theo hai phương thức: phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Bắt đầu từ đó, quy định về TPDN từng bước được hoàn thiện, đặc biệt là Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 tiếp tục bổ sung các quy định nhằm phát triển thị trường TPDN.

Ngăn chặn vi phạm của các tổ chức dịch vụ tài chính, tín dụng

Bộ Tài chính cũng cho biết, tuy đã có khung pháp lý đầy đủ, nhưng quá trình thực thi thời gian qua cho thấy thị trường xuất hiện những hiện tượng, hành vi cố tình gian lận để phát hành, đầu tư TPDN. Ðặc biệt, trong quá trình triển khai quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu trên thị trường thứ cấp đã nảy sinh nhiều vấn đề, đòi hỏi cơ quan quản lý có các giải pháp điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Bộ Tài chính cũng chỉ rõ, bên cạnh việc một số doanh nghiệp phát hành có tình hình tài chính kém, chất lượng công bố thông tin chưa bảo đảm, mục đích sử dụng vốn trái phiếu không rõ ràng, một số tổ chức cung cấp dịch vụ (đặc biệt là các ngân hàng, công ty chứng khoán) chưa tuân thủ quy định pháp luật, hỗ trợ, tiếp tay cho các doanh nghiệp phát hành hợp thức hóa hồ sơ chào bán hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với TPDN riêng lẻ, còn có nhiều doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ đã "tiếp tay" cho sai phạm này.

Thông qua việc sử dụng giả mạo giấy tờ xác nhận nhà đầu tư hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với các tổ chức hoặc cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo luật dân sự, nhiều nhà đầu tư cá nhân nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp mua TPDN riêng lẻ. Chính sự cố tình vi phạm của nhà đầu tư đã tạo nên "sức cầu" cho các vi phạm và tạo nên "nút thắt" của thị trường.

Qua đánh giá, phân tích các rủi ro mới phát sinh, từ cuối năm 2021, Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường TPDN; xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm khi chào bán TPDN riêng lẻ. Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính cũng đã triển khai 39 đoàn kiểm tra, phối hợp, chuyển cơ quan điều tra 6 hồ sơ kiểm tra; liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị chấn chỉnh hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ và giao dịch TPDN riêng lẻ.

Ðặc biệt, công tác thông tin tuyên truyền đã được Bộ Tài chính chủ động, tập trung thực hiện thông qua nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo rủi ro trên thị trường, khuyến nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia thị trường TPDN riêng lẻ.

Ðáng buồn là mặc dù đã tăng cường các biện pháp quản lý giám sát, tích cực thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ, nhưng vì sự hứa hẹn thu lợi nhuận lớn trên thị trường này, nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn bất chấp luật pháp sa vào những rủi ro, hành vi vi phạm trên thị trường. Rõ ràng, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao, một số tổ chức trung gian như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán đã cung cấp thông tin không đầy đủ để lôi kéo khách hàng cá nhân.

Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước đã và đang có biện pháp sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ, nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành, hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn, nâng cao điều kiện đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ và bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức có chức năng giám sát trên thị trường.

Giám sát chặt chẽ tổ chức tài chính trung gian

Tại Hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế" tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất mục tiêu phát triển thị trường TPDN theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.

Tháng 7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, Chính phủ đã quán triệt mục tiêu hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường quản lý, giám sát thị trường, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ; các chủ thể tham gia thị trường tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Bám sát các chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ và định hướng tại Chiến lược tài chính đến năm 2030, để đáp ứng nhu cầu vốn cho kinh tế, công tác điều hành thị trường trái phiếu của Bộ Tài chính tiếp tục theo hướng bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ðức Chi, để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát thị trường trong bối cảnh các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, đa dạng, Bộ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát để bảo đảm sự phát triển của thị trường; những hành vi vi phạm phải được xử phạt nghiêm minh, những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải được hỗ trợ để phát triển; sẽ có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng phát hành của doanh nghiệp phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Bộ Tài chính cũng sẽ tăng nguồn lực thanh tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ nghiệp vụ quản lý và giám sát; đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin cho Bộ Công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.

Bộ Tài chính cũng sẽ tăng nguồn lực thanh tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ nghiệp vụ quản lý và giám sát; đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin cho Bộ Công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Ðức Chi

Ðể nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường, bên cạnh việc tập trung rà soát, phân loại đối với từng tổ chức cung cấp dịch vụ, trường hợp sai phạm sẽ rút giấy phép, Bộ Tài chính khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán triển khai ứng dụng fintech, phù hợp nhu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường; tiếp tục phát triển hoạt động dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, khuyến khích việc cung cấp dịch vụ và nâng cao năng lực của các tổ chức này.

Sự giám sát chặt chẽ đối với các tổ chức trung gian thị trường bao gồm các công ty chứng khoán, tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá, công ty quản lý quỹ, tổ chức xếp hạng tín nhiệm..., tập trung vào chất lượng dịch vụ và cung cấp dịch vụ của các tổ chức này là "chìa khóa" thanh lọc thị trường TPDN.