Tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chung quanh dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), bên cạnh năm nhóm quan điểm, nguyên tắc xây dựng luật được nêu trong tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần bổ sung, nhấn mạnh ba quan điểm xây dựng luật. Đó là cần bám sát định hướng nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Thanh tra đã được đề ra tại định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phân định rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan thanh tra và trách nhiệm giữa thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thanh tra.

Quang cảnh phiên họp. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)
Quang cảnh phiên họp. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Qua phân tích, rà soát, nội dung luật sửa đổi lần này liên quan các luật quản lý thuế, bảo vệ môi trường, chứng khoán; Bộ luật Lao động; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng… Việc rà soát kỹ ngay từ đầu trong quá trình xây dựng dự thảo luật hướng tới phạm vi điều chỉnh, những vấn đề cơ bản của tổ chức, hoạt động thanh tra không trùng lặp, chồng chéo với các luật khác.

Tham gia góp ý cụ thể cho dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh các quan điểm được nêu trong Tờ trình dự án luật, cần tiếp tục rà soát để quán triệt, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thanh tra. Bên cạnh đó, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp chức năng nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, kiểm soát quyền lực nhà nước, thực hiện các quyền của công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thời gian qua. Mục tiêu làm sao ban hành luật này có điều kiện xây dựng ngành thanh tra thật sự trong sạch, vững mạnh, tăng năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xã hội.

Trong những nội dung được quan tâm, tại dự thảo luật lần này quy định cụ thể các nguyên tắc để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước. Cụ thể, điểm mới trong dự thảo luật quy định mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một kế hoạch thanh tra hằng năm do bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của bộ, ngành, địa phương được xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, quy định cụ thể Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo; việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Vấn đề đặt ra là cần quy định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong việc xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra nhằm loại bỏ nguy cơ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; xử lý tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, tránh phiền hà cho các đối tượng chịu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Chung quanh công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy ở cơ quan thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá thay đổi, phát sinh bộ máy để bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Qua các cuộc tọa đàm, hội nghị chuyên đề gần đây, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án nên giữ nguyên thanh tra theo ba cấp. Theo đó, không nên bỏ thanh tra cấp huyện, bởi vì thực tế cho thấy thanh tra cấp huyện thay mặt Nhà nước để thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, sử dụng ngân sách, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương. Vì vậy, phải tổ chức ba cấp thanh tra và cần tăng cường năng lực cho thanh tra hoạt động ở cấp huyện.