Bà Doãn Thị Mỷ, 56 tuổi, cho chúng tôi xem hai tấm vải bà thêu từ thời con gái, năm bà 20 tuổi, mà bà giữ gìn như báu vật. Tấm vải thêu vẫn còn mới nguyên với màu sắc tươi tắn và những đường thêu rực rỡ mà hết sức tinh tế. Trong xóm người Lô Lô ở Sàng Pả A, thị trấn Mèo Vạc hiện chỉ có bà giữ lại được tấm vải thêu suốt nửa đời người như vậy. Chúng là “vật chứng” lưu dấu thời gian, bởi ngày nay, váy áo của người Lô Lô không được thêu tay tỉ mỉ như thế này nữa. Vải và chỉ thêu cũng không được bền đẹp như vậy.
Ngày nay, các cô gái Lô Lô chỉ còn mặc những bộ váy áo cắt ghép vải, từng mảnh nhỏ li ti đủ màu sắc. Vải để cắt ghép làm hoa văn thường là vải của Trung Quốc bán nhiều ngoài thị trấn, nhưng để làm ra một bộ váy áo cũng phải kỳ công lắm. Có hàng nghìn mảnh vải hình quả trám, hình vuông, hình tam giác… nhỏ bằng đốt ngón tay được cắt ghép cầu kỳ, phối màu rực rỡ nhưng hài hoà. Bà Mỷ cho biết, một người có tay nghề thuần thục cũng phải mất một năm để hoàn thành một bộ váy áo như vậy. Và giá một bộ váy áo “thời hiện đại” đó cũng phải 3 triệu đồng. Trong mỗi gia đình người Lô Lô, giàu nhất cũng chỉ có ba bộ như vậy.
Bà Mỷ và tấm vải dệt từ năm 20 tuổi.
Thế nhưng, nếu làm hoa văn hoàn toàn bằng việc thêu tay thì còn kỳ công hơn nhiều và giá một bộ sản phẩm, do đó cũng đắt hơn nhiều. Có bộ lên đến 5- 6 triệu đồng. Bà Mỷ nói, phải mất ba năm mới làm được một bộ váy áo cắt may và thêu hoa văn hoàn toàn bằng tay. Riêng cái khăn đội đầu với những tua rua sặc sỡ tinh tế, đường thêu cầu kỳ thì đã phải làm mất một năm rồi. Bây giờ bà Mỷ vẫn cắt thêu, nhưng chỉ được vài bộ bán cho khách du lịch. Cách đây không lâu, một người Pháp đã mua bộ thêu tay cầu kỳ với giá 6 triệu đồng. Đắt vậy, nhưng cũng không thể làm mà bán được, chứ đừng nói làm để cho con cháu mặc, bởi vì hiện nay nguyên liệu rất thiếu. Bây giờ không thể kiếm đâu ra vải chàm dệt nhuộm thủ công bền đẹp như xưa, cũng không thể kiếm được thứ chỉ thêu không phai màu và bền như xưa nữa. Và điều đặc biệt nhất, là những người biết thêu còn lại không nhiều. Trong xóm Sàng Pả A, hiện chỉ có khoảng chục người biết thêu, trong đó chỉ còn vài người thêu đẹp, mà tuổi đều đã xế chiều.
Hoa văn thêu tay.
Chị Cấn Thị Minh, cán bộ Trung tâm Văn hóa Mèo Vạc cho biết, bà Mỷ là người thêu giỏi nhất ở Sàng Pả A. Bà học thêu từ mẹ mình, bắt đầu thêu từ năm 12 tuổi. Bà nhớ lại, phải mất hàng tuần liền ngồi bên khung thêu học từng đường kim mũi chỉ, điều mà các cô gái Lô Lô ngày nay hầu như không thể làm được bởi không đủ thời gian và lòng kiên nhẫn.
“Ngày xưa con gái Lô Lô ai cũng phải biết thêu và may lấy áo váy cho mình, khi về nhà chồng phải có ít nhất một bộ váy áo mang theo. Nhưng bọn con gái bây giờ, chúng nó không chỉ không biết thêu, không biết may, mà còn không biết tự mặc bộ áo truyền thống nữa”. Một người già trong xóm Sàng Pả A than phiền như vậy.
Hoa văn cắt ghép vải.
Anh Lê Mạnh Cường, Chánh văn phòng huyện uỷ Mèo Vạc, cho biết, huyện đang có dự định khôi phục nghề thêu, nghề dệt với kinh phí khoảng từ 50 đến 100 triệu đồng. Bên cạnh việc dạy cho con gái Lô Lô biết thêu, may áo truyền thống cho mình, có thể mở thêm lớp thương mại, làm ra sản phẩm để phục vụ khách du lịch. Cùng với nghề thêu, huyện cũng có ý tưởng khôi phục nghề dệt vải lanh vốn có từ trước.
Cô gái Lô Lô ngày nay không thể tự mặc
trang phục truyền thống.
Anh Cường nói, ý tưởng thì nhiều lắm, nhưng rất khó thực hiện. Trước đây tỉnh đoàn cũng đã có ý định hỗ trợ kinh phí phục hồi nghề thêu, giữ nét đẹp bản sắc độc đáo trong trang phục truyền thống của người Lô Lô tại đây, nhưng không thực hiện được. Kinh phí ít không đủ duy trì chế độ phụ cấp lâu dài cho người dạy. Nhưng vấn đề khó khăn nhất là không có người học.
"Bọn trẻ bây giờ phải đi học ở trường hằng ngày, không đủ thời gian và cũng không đủ kiên nhẫn để ngồi học tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ, mất nhiều thời gian và công sức lắm" - bà Mỷ nói.
Các cán bộ huyện đang hy vọng vào ông Lò Sì Páo, trưởng bản, để ông thuyết phục con cháu trong bản như việc đưa ra một bản quy ước mới, trong đó quy định con gái khi về nhà chồng phải biết thêu, biết tự may cho mình trang phục truyền thống chẳng hạn…