Trang bị phòng tin học cho những trường học khó khăn

Ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, không phải trường nào cũng có phòng tin học với hệ thống máy tính, thiết bị âm thanh, đường truyền internet... đầy đủ, hiện đại. Nắm bắt được điều này, nhiều năm qua, Dự án hỗ trợ “SGI Dream Class” đã tặng nhà trường và các em học sinh những phòng tin học đạt chuẩn.
0:00 / 0:00
0:00
Các em học sinh Trường THCS Tri Trung (huyện Phú Xuyên) trong phòng tin học mới được trang bị.
Các em học sinh Trường THCS Tri Trung (huyện Phú Xuyên) trong phòng tin học mới được trang bị.

Năm học 2023-2024, Trường trung học cơ sở (THCS) Tri Trung, huyện Phú Xuyên có tám lớp học với 260 học sinh. Tin học là một môn bắt buộc trong chương trình THCS, nhưng do điều kiện nhà trường còn hạn chế, các em chủ yếu chỉ được học lý thuyết, chưa được thực hành trên máy tính.

Cô giáo Ngô Thị Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bộ môn Tin học được Bộ Giáo dục và Ðào tạo đưa vào giảng dạy chính thức trong các trường THCS, nhưng nhà trường không có phòng máy trong khi đặc thù của môn Tin học, để học phải có máy tính. Thiếu trang, thiết bị cũng gây nhiều khó khăn cho giáo viên bởi việc giảng “chay” khiến các em học sinh khó nắm bắt kiến thức và không hào hứng tiếp thu.

Cũng giống Trường THCS Tri Trung, Trường THCS Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) năm học vừa qua có 12 lớp với 419 học sinh nhưng cả trường chỉ có hơn chục chiếc máy tính đời cũ, khó sử dụng, thường xuyên bị hỏng. Với môn Tin học, các em học sinh chỉ được học lý thuyết, không được thực hành...

Qua nắm bắt những khó khăn mà các nhà trường đang gặp phải, Công ty Bảo hiểm Bảo lãnh Seoul Hàn Quốc (SGI) phối hợp Tổ chức GCS Hàn Quốc tại Việt Nam, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đã triển khai Dự án hỗ trợ “SGI Dream Class”, xây dựng các phòng học tin học ở các trường đang gặp nhiều khó khăn, giúp các em học sinh được tiếp cận công nghệ thông tin, giúp nhà trường đổi mới giáo dục theo hướng chuyển đổi số.

Từ năm 2016 đến nay, Phòng Tin học “SGI Dream Class” đã trở thành một điểm đến ưa thích của học sinh Trường tiểu học Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên), Trường THCS Yên Bình (huyện Thạch Thất); Trường THCS Liên Châu (huyện Thanh Oai), Trường THCS Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và mới đây nhất là tại Trường THCS Tri Trung. Các phòng học đều đạt chuẩn, gồm 35 đến 40 bộ máy tính mới hiện đại, bàn ghế, trang thiết bị nghe nhìn, màn hình ti-vi, máy in, mạng internet và các trang thiết bị khác, tổng trị giá mỗi phòng lên đến hơn 600 triệu đồng.

Em Nguyễn Duy Linh, học sinh lớp 9A1 Trường THCS Xuân Sơn cho biết: “Trước chỉ học lý thuyết, xem sách vở, cho nên em rất khó hình dung và thực hiện các thao tác sử dụng máy tính. Nhưng từ khi được học và thực hành ở phòng tin học, em thấy dễ hiểu hơn nhiều và rất hào hứng với môn học này”.

Giám đốc Chi nhánh Công ty Bảo hiểm Bảo lãnh Seoul tại Hà Nội (SGI Hà Nội)-đơn vị tài trợ dự án, ông Kwon Soon Yong chia sẻ: “SGI được thành lập từ năm 1969, chuyên cung cấp các dịch vụ bảo hiểm bảo lãnh và bảo hiểm tín dụng. Ðơn vị mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình, chung tay cùng cải thiện môi trường đào tạo giáo dục tại các trường trên địa bàn Hà Nội nói riêng và các trường học ở Việt Nam nói chung. Trong thời gian tới, SGI sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động xã hội đa dạng hơn để giúp đỡ người dân, học sinh ở các khu vực còn khó khăn, thiếu thốn”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy đánh giá, phòng máy tính được lắp đặt hỗ trợ kịp thời để thầy trò các nhà trường thi đua học tốt, dạy tốt, giúp thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục các môn tin học, ngoại ngữ giữa học sinh nội thành và ngoại thành, đồng thời, cũng góp phần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục.

Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội Nguyễn Nam Hải đề nghị, các nhà trường tiếp nhận có kế hoạch sử dụng và quản lý tốt phòng máy được trang bị. Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, các đơn vị để đóng góp vào quá trình phát triển chung của thành phố, nhất là trong công tác xã hội hóa giáo dục.