Trang bị cho trẻ em kỹ năng tự bảo vệ trên không gian mạng

Em Hoàng Linh, học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái (Hà Nội) cho rằng, mạng xã hội đang tác động rất lớn đến học sinh. Tại lớp học phần đông các bạn sử dụng mạng xã hội, tuy nhiên nhiều bạn sử dụng không đúng mục đích.
0:00 / 0:00
0:00
Buổi tập huấn "Hướng dẫn kỹ năng sử dụng tài liệu học tập, hỗ trợ thiếu nhi tương tác an toàn, sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng" tại Trường tiểu học Trần Phú, thành phố Bắc Giang. (Ảnh HỒNG LOAN)
Buổi tập huấn "Hướng dẫn kỹ năng sử dụng tài liệu học tập, hỗ trợ thiếu nhi tương tác an toàn, sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng" tại Trường tiểu học Trần Phú, thành phố Bắc Giang. (Ảnh HỒNG LOAN)

Chẳng hạn, một nhóm bạn lúc đầu chơi thân, sau đó một bạn bị tách ra khỏi nhóm. Các bạn trong nhóm còn lập group trên mạng nói xấu khiến bạn buồn, tự nhốt mình trong phòng, không dám chia sẻ với bố mẹ.

Em Hoàng Trung, Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) chia sẻ, bên cạnh bạo lực học đường, bạo lực ngôn ngữ cũng là một vấn nạn hiện nay. "Việc này bắt nguồn từ thành tích hơn-thua trong học tập hay về ngoại hình… Nhiều bạn chịu áp lực học tập từ gia đình mà sinh ra ghen ghét những bạn có thành tích cao hơn, từ đó kết bè phái, lập các nhóm trên mạng để nói xấu, tẩy chay, chỉ trích. Thậm chí bạn bị tẩy chay đã nghĩ tới những hành động dại dột…".

Trường hợp của gia đình chị Thu Hạnh, quận Lê Chân (Hải Phòng), có con gái đang học THCS là một thí dụ. Ðợt dịch Covid-19 vào năm 2020, do được nhà trường cho nghỉ học ở nhà dài ngày, mặc dù có để ý đến thời gian sử dụng máy tính của con, tuy nhiên lúc nào chị cũng thấy con đưa ra lý do như học trực tuyến qua Zoom, trao đổi với bạn bè để tránh bị quên kiến thức... cho nên chị đã chủ quan trong việc quản lý.

Một lần, đang ở cơ quan, con gái chị gọi điện khóc nức nở, nói mẹ về nhà ngay. Dỗ dành, hỏi han một lúc, chị Hạnh tá hỏa khi nghe con kể thời gian qua có làm quen, kết bạn với một Facebook có tên là "Anh chàng đẹp trai". Hầu như các cuộc chuyện trò, trao đổi trên mạng chỉ nói đến các trò chơi game đang thịnh hành. Nhưng hôm đó, chủ nhân của Facebook này lại đổi chủ đề, gạ gẫm con gái chị cho xem mặt cùng một số hình ảnh của cơ thể. Quá sợ hãi, con gái chị đã vội thoát khỏi màn hình.

Các trang mạng xã hội với đủ chiêu trò câu view, kiếm tiền khiến clip phản cảm, phản giáo dục xuất hiện ngày càng nhiều. Ðối tượng được nhắm tới thường là trẻ em từ 10 tuổi đến 16 tuổi. Ðây là lứa tuổi tò mò và chưa trưởng thành về nhận thức cho nên khi xem những clip này, nhiều em chưa phân biệt được đúng sai, dễ dẫn đến suy nghĩ lệch lạc, hành vi lệch chuẩn.

Ðã có thời gian những clip "giang hồ mạng", "thánh chửi" của một số nhân vật có hành vi vi phạm pháp luật lại được một bộ phận giới trẻ thần tượng, làm lệch chuẩn giá trị đạo đức khiến cha mẹ rất lo lắng. Có kênh YouTube với đối tượng người xem chủ yếu là trẻ em, nhưng đăng tải rất nhiều video, clip, hình ảnh có nội dung mê tín, kinh dị, bạo lực… ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Theo số liệu từ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan trẻ em mỗi năm, số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng nhiều. Nguy cơ bị dụ dỗ, phát tán thông tin cá nhân, lừa đảo, xâm hại tình dục, bắt cóc… đang đe dọa đến sự an toàn của trẻ em.

Ngoài ra, hiện tại còn xuất hiện khái niệm mới: Bắt nạt online. Nhiều mâu thuẫn trên không gian mạng dẫn tới không ít vụ xô xát ngoài đời thực. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều trẻ em chưa được gia đình, nhà trường quan tâm đúng mức. Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan quy định rất rõ về trách nhiệm bảo vệ trẻ trên môi trường internet. Tuy nhiên, đến nay, nhận thức, hiểu biết của các bậc cha mẹ học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Mặt khác, công tác bảo vệ trẻ em của cơ quan chức năng trên môi trường mạng cũng chưa toàn diện và chặt chẽ.

Nhằm tăng cường bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường internet và mạng xã hội, ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 830/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Ðây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Mục tiêu chương trình đưa ra là bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng…